Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - Ảnh: REUTERS
Ngày 24-10, trên phương tiện truyền thông, chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ đề cao nguyên tắc chung sống hòa bình với các nước khác và sẽ hợp tác "nhiều nhất có thể" với ASEAN theo "đồng thuận 5 điểm" đã được nhất trí trong cuộc họp giữa các lãnh đạo ASEAN vào tháng 4 năm nay tại Indonesia.
Đồng thuận 5 điểm bao gồm: 1/ Ngưng ngay bạo lực tại Myanmar, mọi bên tự kiềm chế. 2/ Đối thoại xây dựng. 3/ Một đặc phái viên của ASEAN sẽ tạo điều kiện cho hòa giải. 4/ ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo. 5/ Đặc phái viên của ASEAN sẽ thăm Myanmar và gặp các bên liên quan.
Ngày 16-10 vừa qua, các ngoại trưởng của ASEAN đã quyết định không mời thống tướng Min Aung Hlaing tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 28-10, vì sự chậm trễ trong khôi phục ổn định tại Myanmar.
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ASEAN ngày 15-10, trong đó Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin cũng tham gia.
Cũng trong ngày 15-10, Bộ Ngoại giao Myanmar đã khẳng định chính quyền quân sự nước này "cam kết hợp tác một cách xây dựng trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm" với ASEAN.
Sau khi ASEAN đưa ra quyết định, chính quyền Myanmar cáo buộc ASEAN xa rời các nguyên tắc về đồng thuận và không can thiệp của khối. Nước này cũng từ chối cử đại diện trung lập về chính trị dự họp.
Theo Hãng tin Reuters, hơn 1.000 dân thường đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị giam giữ trong cuộc trấn áp hậu đảo chính 1-2 ở Myanmar. Liên Hiệp Quốc dẫn lời các nhà hoạt động cho biết nhiều người Myanmar bị tra tấn và đánh đập, cáo buộc chính quyền sử dụng vũ lực quá mức đối với dân thường.
Chính quyền Myanmar khẳng định nhiều người trong số những người bị giết hoặc giam giữ là "kẻ khủng bố" gây bất ổn đất nước. Quân đội nước này cũng cho rằng lực lượng đối lập đang kéo dài tình trạng bất ổn.
Quân đội Myanmar khẳng định việc họ tiếp quản chính quyền không phải là đảo chính, mà là sự can thiệp cần thiết và hợp pháp, nhằm chống lại mối đe dọa chủ quyền do đảng của bà Suu Kyi gây ra. Cụ thể, quân đội cáo buộc đảng của bà Suu Kyi thắng bầu cử vào năm ngoái vì gian lận.
TTO - Dự trữ ngoại tệ của Myanmar chỉ còn khoảng 6,04 tỉ USD, sụt giảm hơn 1,6 tỉ USD so với con số được Ngân hàng Thế giới công bố cuối năm 2020.