Giải trình nguyên nhân thua lỗ trong quý III, Công ty Cổ phần Xi măng Bút Sơn (Vicem Bút Sơn, mã chứng khoán BTS, HNX) đưa ra lý do ảnh hưởng của COVID-19 và các lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2016, trước khi COVID-19 xảy ra, các chỉ số sinh lời của BTS đã thấp và liên tục đi xuống.
Xi măng Bút Sơn có vốn điều lệ 1.235 tỉ đồng, cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm giữ 98,2 triệu cổ phiếu, tương đương 79,5% vốn điều lệ. Địa bàn kinh doanh chủ yếu của BTS là Hà Nam, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Phải thu ngắn hạn tăng bất thường, dòng tiền tiếp tục âm
Vicem Bút Sơn vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2021. Theo đó, tại 30.9.2021, Tiền và tương đương tiền là 71,1 tỉ đồng, giảm 36,5% so với đầu năm, khoản Phải thu ngắn hạn khách hàng là 226,3 tỉ đồng, tăng gấp 37,7 lần so với đầu năm.
Đáng chú ý, BTS có Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.129,9 tỉ đồng, lớn gấp đôi so với tài sản ngắn hạn và tăng 26 tỉ đồng so với đầu năm.
Quý III/2021, BTS đạt doanh thu 657,3 tỉ đồng, giảm 14,5% so với quý III/2020, tuy nhiên lợi nhuận gộp giảm 39% xuống còn 49,6 tỉ đồng, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm rất ít, khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 11,2 tỉ.
Nhờ có khoản lợi nhuận khác 3,6 tỉ nên lợi nhuận sau thuế quý III/2021 chỉ còn lỗ 7,6 tỉ, trong khi quý III năm ngoái lãi 12,4 tỉ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, BTS đạt doanh thu 2.126 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt vỏn vẹn 25,1 tỉ, giảm 47% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh của BTS âm 62,5 tỉ, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm 403 triệu đồng. Nhờ có khoản thu từ đi vay ngắn hạn, dài hạn nên Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ chỉ còn âm 41,4 tỉ.
BTS giải trình kết quả thua lỗ quý III chủ yếu là do tình hình dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội và Hà Nam (đây là địa bàn tiêu thụ cốt lõi của xi măng Bút Sơn, chiếm hơn 50% sản lượng tiêu thụ) đã tác động trực tiếp đến công tác tiêu thụ xi măng của công ty, sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh, doanh thu bán hàng đạt thấp là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận giảm.
Hiệu quả kinh doanh rất thấp trước khi biện lý do COVID
Nhìn lại báo cáo tài chính của Vicem Bút Sơn trong 5 năm gần nhất (2016-2020), Lao Động nhận thấy biên lợi nhuận gộp của Công ty liên tục đổ đèo. Năm 2016, biên lãi gộp của BTS đạt 17% thì đến năm 2020 chỉ đạt 10,48%.
Biên EBIT cũng lao dốc từ 8,25% năm 2016 xuống 2,8% năm 2020. Biên EBIT thể hiện hiệu quả quản trị chi phí của tất cả các hoạt động bao gồm giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. Biên EBIT liên tục đi xuống cho thấy Vicem Bút Sơn quản trị chi phí chưa tốt và hoạt động kém hiệu quả.
ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của BTS cắm đầu đi xuống, từ 10,2% năm 2016, đến năm 2020 đã chạm đáy 1,23%. Kết thúc nửa đầu năm 2021, ROE của Vicem Bút Sơn tiếp tục giảm còn 1,05%.
Hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu của Vicem Bút Sơn là vô cùng bết bát nếu so với 1 số “đàn em” trong ngành xi măng như Xi măng La Hiên thường xuyên duy trì được ROE ở mức trên 20% từ 2016 - 2020; tương tự là Xi măng Cần Thơ.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, ROE của Xi măng La Hiên đạt 24,29% và Xi măng Cần Thơ đạt 22,96%.
Thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) của Xi măng Cần Thơ lên tới 12.054 đồng/cổ phiếu; Xi măng La Hiên thấp hơn nhưng cũng đạt 3.764 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, EPS của Vicem Bút Sơn trong nhiều năm chỉ đạt vài trăm đồng/cổ phiếu. Còn kết thúc quý III, con số này là âm 61,6 đồng/cổ phiếu.
Như đã đề cập ở trên, hiện cổ đông Nhà nước đang nắm 79,5% vốn điều lệ tại Vicem Bút Sơn. Chỉ một vài con số đã cho thấy cổ đông Nhà nước tại Vicem Bút Sơn chịu thiệt như thế nào khi hiệu quả sinh lời từ đồng vốn bỏ ra siêu thấp.
Hiện, người đại diện cho phần vốn Nhà nước tại Vicem Bút Sơn là các ông/bà: Vũ Thế Hà, Đỗ Tiến Trình, Lê Thị Khanh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Huy Quân, Trần Việt Hồng. Những người này đều là thành viên Hội đồng Quản trị của Vicem Bút Sơn. Trong đó, Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Thế Hà, Tổng giám đốc là ông Đỗ Tiến Trình.