Trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn vì đại dịch, áp lực trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn.
Theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN, ngân hàng bắt buộc phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm nay và 100% trong 2 năm tới.
Tại ngân hàng ACB, số dư nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 9 là hơn 2.790 tỉ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành. ACB đã trích trước hơn 2.000 tỉ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%.
Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy đến cuối tháng 9, nợ xấu tại ngân hàng này tăng 41% so với đầu năm, lên mức 1.829 tỉ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 74%, các nhóm nợ xấu còn lại cũng tăng trên 20%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% đầu năm lên 0,57%. 9 tháng đầu năm nay, Techcombank giảm 9% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích 2.037 tỉ đồng. Tuy nhiên, Techcombank vẫn duy trì quan điểm thận trọng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý 3/2021 ở mức cao 184%, giảm so với mức 259% cuối quý 2, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 148% cùng kỳ năm ngoái.
Tổng nợ xấu của LienVietPostBank (LPB) đến cuối quý 3/2021 tăng 10% so với đầu năm, lên hơn 2.700 tỉ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp 2,7 lần đầu năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,43% đầu năm xuống còn 1,42%. Tuy nhiên, trong quý 3/2021, ngân hàng này trích hơn 271 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LPB dành hơn 887 tỉ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Báo cáo tài chính của TPBank, tính đến ngày 30.09.2021, tổng nợ xấu ngân hàng giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn 1.378 tỉ đồng. Có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn sang nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,18% đầu năm xuống còn 1,04%. Trong quý 3/2021 dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này tăng 223% so cùng kỳ lên 1.345 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TPBank tăng 99% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, trích gần 2.349 tỉ đồng.
Có thể thấy, Thông tư 03 cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ đến hết năm 2021, song không vì thế mà gánh nặng trích lập dự phòng nợ xấu vơi đi. Ngoài ra, các ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch trong thời gian 3 năm, nhưng việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít chịu ảnh hưởng từ chất lượng dư nợ cho vay. Nói cách khác, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.
Theo TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia tài chính ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03. Khi ban hành Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước có lẽ không lường trước được dịch COVID-19 sẽ kéo dài và diễn biến phức tạp. Ngân hàng Nhà nước ước tính các doanh nghiệp có thể hồi phục trong 12 tháng, nhưng với diễn biến của đại dịch COVID-19 khó lường hiện nay, cơ quan quản lý nên có chính sách phù hợp với tình hình mới.
Xem thêm: odl.110769-gnah-nagn-cac-iov-gnat-aig-gnohp-ud-pal-hcirt-cul-pa/et-hnik/nv.gnodoal