Án Nước ngoài:
Làm cháy xe hàng xóm vì ăn mừng
Một vụ hỏa hoạn xuất hiện sau khi người dân đốt pháo ăn mừng cùng chủ nhân chiếc Audi SUV mới mua. Những người này đốt pháo ngay tại bãi đỗ xe ở trong khu vực dân cư ở miền đông Trung Quốc. Sự việc xảy ra vào ngày 26/9.
Camera an ninh tại một bãi xe ở thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã ghi lại được cảnh vài người đốt pháo hoa ăn mừng cùng nữ chủ nhân chiếc ô tô mới mua. Những người này đốt pháo ngay tại bãi xe có nhiều ô tô đỗ gần đó.
Tuy nhiên tia lửa từ pháo hoa cháy đã bắt sang cái cây gần chiếc ô tô mới mua đang đỗ. Hậu quả, cái cây bốc cháy dữ dội. Đúng lúc này, nữ tài xế điều khiển chiếc Audi SUV mới mua đi chỗ khác để lánh nạn.
Nhưng do không thể liên lạc với chủ nhân của chiếc xe đỗ ngay gần cái cây đang cháy, người dân xung quanh đã cùng hô hào hợp sức dùng bình cứu hỏa dập lửa, trước khi nhóm cứu hộ tới được hiện trường.
Hậu quả, một chiếc ô tô đã bị hư hại trong vụ hỏa hoạn do đốt pháo hoa ăn mừng. Rất may không ai bị thương trong sự việc.
Luật Việt Nam:
Phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe bị cháy!
Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản đó.
Hủy hoại tài sản của người khác không đơn giản là vấn đề bồi thường thiệt hại là xong. Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, khi giá trị tài sản đủ lớn, người thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là tội phạm xâm phạm tới quyền sở hữu không xuất phát từ mục đích tư lợi.
Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
Theo quy định, người phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Người phạm tội Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như để trả thù, vì ghen tuông... nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành mà chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.
Căn cứ vào những yếu tố cấu thành tội phạm đã phân tích ở trên thì hành vi đốt pháo ăn mừng nhưng làm cháy xe ô tô của hàng xóm của người phụ nữ nọ chỉ là hành vi vô ý. Khi đốt pháo, chị ta không có ý định huỷ hoại những chiếc xe bên cạnh xe ô tô của mình. Bản thân chị ta cũng không có mâu thuẫn gì với các chủ xe bên cạnh. Do vậy, người phụ nữ này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Huỷ hoại tài sản.
Tuy nhiên, hành vi vô ý của chị ta đã khiến chiếc xe bên cạnh bốc cháy. Theo quy định tại Điều 11 và Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ chiếc xe bị cháy có quyền khởi kiện ra toà án, yêu cầu người phụ nữ trên phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Khoản 1 Điều 584 quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trên thực tế luôn tồn tại một quy luật khách quan rằng: Khi một người nào đó gây ra thiệt hại (dù vô tình hay cố ý) thì phải chịu trách nhiệm đối với hành vi mình gây ra đối với người bị thiệt hại. Đây là một hình thức trách nhiệm dân sự được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập ra nhằm mục đích buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 thì bồi thường thiệt hại được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau: Thiệt hại trên thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Trong vụ việc này, chủ chiếc xe bị cháy và người phụ nữ trên có thể tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Với lỗi vô ý, người phụ nữ nọ có thể được giảm mức bồi thường.
Lưu ý, mức bồi thường phải căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ánh Dương (thực hiện)