Vào một ngày đầu tháng 6/2007, các thành viên trong gia tộc Pritzkers - vốn là những người thừa kế của một trong những gia tộc giàu nhất thế giới, đã tiếp tục làm rạng danh tên tuổi của dòng họ bằng món tiền tài trợ khủng trị giá 30 triệu USD trao cho Đại học Chicago (Mỹ) để phục vụ cho công tác nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh.
Mặc dù đã quá nổi tiếng với những công việc thiện nguyện, thế nhưng lần này, hậu duệ gia tộc Pritzkers cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều, bởi họ đang chào mừng một dấu mốc đáng nhớ: tròn 100 năm kể từ ngày một người nhập cư gốc Do Thái tên là Nicholas Pritzker khai trương hãng luật tư nhân ở Chicago, vốn được xem là bệ phóng cho sự phát triển của đế chế kinh doanh toàn cầu trị giá nhiều tỷ USD hiện nay.
Sự trỗi dậy của gia tộc Pritzkers từ thân phận của những kẻ nhập cư hèn kém không một xu dính túi trở thành những ông chủ ngồi trên núi tiền chính là minh chứng rõ nét dành cho bất cứ ai luôn mơ về giấc mơ Mỹ.
Giờ đây, sau 114 năm kể từ ngày cụ cố Nicholas Pritzker tự tay treo lên tấm biển hiệu cho doanh nghiệp tư nhân đầy khiêm tốn của mình thì những hậu duệ thuộc thế hệ thứ 3 của gia tộc Pritzkers đã có thể đàng hoàng bước vào danh sách 400 gia tộc giàu nhất nước Mỹ với vị trí thứ 9 do tạp chí Forbes bình chọn năm 2020 cùng khối tài sản ròng là 32.5 tỷ USD.
Gia tộc Pritzkers nổi tiếng trên thế giới bởi họ là chủ nhân của chuỗi khách sạn hạng sang mang tên Hyatt. Họ còn được biết đến bởi hàng loạt các lĩnh vực đầu tư đình đám khác với sự hiện diện ở hầu như mọi nơi: từ sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, ngân hàng, tín dụng, tàu du lịch siêu sang, và thậm chí cả hãng thuốc lá cùng nhiều loại hình làm ăn "hái ra tiền" khác.
Ông Nicholas Pritzker. (Ảnh: Jew Age)
Có một điều đáng chú ý, là gia tộc gốc Do Thái này luôn tâm niệm "cho đi những gì mình có được" bằng các hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa. Nhiều triệu USD đã được tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ để triển khai thành các dự án phát triển tập trung vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe khắp thế giới. Đặc biệt hơn, sự tồn tại của một giải thưởng thường niên lớn mang tên Giải thưởng kiến trúc Pritzker - danh hiệu cao quý nhất của ngành kiến trúc thế giới - chính là nhờ vào sự đóng góp đầy hào phóng bằng khoảng tiền 100.000 USD mỗi năm của gia tộc Pritzker.
Giàu có và nổi tiếng là vậy, thế nhưng đây cũng chính là một dòng họ rất kín tiếng. Trong nhiều thập niên, những thành viên trong gia đình danh giá này từ chối hầu như mọi lời đề nghị phỏng vấn từ giới truyền thông. Cũng có một vài ngoại lệ khi những thành viên trong gia đình đồng ý tiếp chuyện với báo giới, nhưng luôn kèm theo một điều kiện bất di bất dịch: không được phép tiết lộ tên tuổi của họ ra công chúng.
"Họ chỉ quan tâm đến việc xây dựng một đế chế thật sự hơn là chạy theo sự nổi tiếng đầy phù phiếm do giới truyền thông tạo ra", Patrick Foley, cựu Chủ tịch Tập đoàn khách sạn Hyatt tiết lộ.
Giấc mơ Mỹ của cậu bé 10 tuổi gốc Do Thái
Nhiều năm về trước, có một cậu bé nhập cư 10 tuổi đến Mỹ với 2 bàn tay trắng và hoàn toàn không biết tiếng Anh. Cậu không có gì ngoài trí óc cực kỳ nhạy bén và một khát khao cháy bỏng rằng, mình chắc chắn sẽ thành công.
Đó chính là Nicholas Pritzker, cậu bé đã tìm đường đến thành phố Chicago để thực hiện "giấc mơ Mỹ" vào năm 1881 sau khi trốn chạy khỏi một khu ổ chuột của người Do Thái gần thủ đô Kiev của Ukraina. Nicholas đã phải tự học tiếng Anh bằng cách mày mò dịch tờ nhật báo Chicago Tribune bằng một cách "hết sức lòng vòng": trước tiên, cậu dịch từ tiếng Anh sang tiếng Đức, rồi tiếp đó sử dụng một quyển từ điển song ngữ Đức - Nga nhàu nát để dịch tiếp sang tiếng Ukraine. Cậu tìm những công việc chân tay bị cho là hèn kém như bán báo, đánh giày, giúp việc ở các nhà hàng quán ăn... để kiếm sống qua ngày trước khi theo học nghề dược sĩ để trở thành một chân phụ bán thuốc.
Nicholas còn tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi buổi tối để theo học tại trường Luật DePaul, lấy bằng Luật sư và tự mở một văn phòng luật để hành nghề từ rất sớm, ở tuổi 30, mang tên Pritzker & Pritzker.
Ông Nicholas Pritzker (ngồi hàng đầu bên phải) cùng những đứa con trai nối nghiệp bố với nghề luật sư. (Ảnh: University of Chicago Library)
3 cậu con trai của Nicholas là Harry, Abram, và Jack lớn lên bằng sự nỗ lực vượt bậc của cha mình và cũng quyết tâm đi theo nghề luật. Cả 3 tốt nghiệp trường Luật và cùng hành nghề luật sư tại văn phòng của cha mình. Cậu con trai cả Harry chuyên về Luật hình sự, cậu em út Jack thì theo đuổi lĩnh vực pháp lý phục vụ nghề Bất động sản. Thế nhưng cậu con trai thứ tên là Abram Nicholas mới chính là ngôi sao của cả gia đình. Cậu tốt nghiệp trường Luật của Đại học Harvard danh giá vào năm 1920 và là một chuyên gia xuất sắc của văn phòng Luật Pritzker & Pritzker trong lĩnh vực luật kinh doanh.
Tuy nhiên, chàng trai tài năng này lại có vẻ như không hứng thú lắm với nghề Luật. Chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của xã hội trong những năm đầu của thế kỷ 20, Abram Nicholas nhận ra rằng, đây chính là thời cơ tốt nhất để kiếm tiền bằng những thương vụ đầu tư hơn là ngồi hướng dẫn các khía cạnh luật pháp trong kinh doanh cho khách hàng của mình. Thế là chàng trai trẻ này quyết định chấm dứt công việc hành nghề luật để chuyển hướng sang đầu tư bất động sản và mở các công ty nhỏ. Đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời Abram Nicholas để bắt đầu xây dựng nên đế chế khách sạn.
Vào thời điểm những năm 1930, mối quan tâm của Abram Nicholas trong công việc kinh doanh đã trở nên đa dạng hơn trước dẫn đến hãng luật Pritzker & Pritzker cũng khuếch trương dịch vụ của mình theo hướng đa ngành chứ không chỉ cung cấp mỗi dịch vụ tư vấn luật như trước nữa.
Abram Nicholas được mô tả như là một nhà đàm phán thiên bẩm luôn có khả năng "hạ gục" bất cứ ai chỉ trong vài lần gặp đầu tiên. Trong suốt thời gian nước Mỹ vật vã trong cuộc Đại suy thoái với sự sụp đổ của phố Wall, Abram Nicholas đã nhìn thấy cơ hội kiếm thật nhiều tiền. Ông bắt tay cùng em trai mình là Jack để tiến hành thâu tóm hàng loạt bất động sản đang trong cơn hấp hối, cũng như mua lại nhiều công ty bị phá sản với cái giá rẻ mạt. Cú đầu tư hời nhất mà Abram Nicholas thực hiện cùng với một người bạn chính là việc "xuống tiền" mua một hệ thống máy pha cà phê với giá 25.000 USD để mở quán cà phê. 23 năm sau, họ đã sang nhượng lại cho người khác với một số tiền "lớn khủng hoảng": 23 triệu USD.
Abram Nicholas Pritzker. (Ảnh: Historic Images)
Abram Nicholas là một người kín tiếng với giới truyền thông. "Bọn họ (phóng viên) không thèm quan tâm đến những hậu quả mà họ gây ra. Những gì họ muốn chỉ đơn giản là phải làm sao để ai đó thêm rối trí mà thôi", ông nói với phóng viên tờ Tribune chỉ vài tháng trước khi qua đời vào năm 1986 ở tuổi 90.
Một điểm đặc biệt khác của Abram Nicholas chính là việc ông thích việc kiếm tiền theo cách "thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ" chứ không mặn mà với việc làm ăn chung qua hình thức huy động vốn từ các cổ đông.
"Chúng tôi không tin vào các công ty đại chúng", ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi với báo chí. "Bạn có thể mất một hợp đồng làm ăn lớn chỉ vì thông tin bị tiết lộ do phải chia sẻ qua nhiều người". Đây cũng là tư duy kinh doanh mà hầu hết các thành viên của gia tộc này kiên trì theo đuổi khi mà hàng loạt các công ty tư nhân, liên doanh và các mối quan hệ hợp tác khác đều không báo cáo thông tin tài chính chi tiết ra bên ngoài.
Chinh phục thế giới từ thương vụ mua Hyatt House
Mặc dù cả 3 cậu con trai của Abram Nicholas đều thừa hưởng gen thông minh từ bố mình, thế nhưng cậu con trai cả Jay mới chính là truyền nhân đáng giá của dòng tộc.
Ông tốt nghiệp phổ thông năm 14 tuổi, sau đó bước chân vào Đại học Northwestern để theo đuổi ngành Kế toán. Khi chiến tranh thế giới nổ ra, do thị lực kém nên ông được miễn phục vụ trong quân đội. Ông tiếp tục ghi danh theo đuổi ngành Luật và tốt nghiệp 2 năm sau đó để rồi sớm trở thành thành viên của hãng luật gia đình Pritzker & Pritzker.
Jay Pritzker, nhà sáng lập chuổi khách sạn mang tên Hyatt. Ảnh chụp năm 1940. (Ảnh: Reddit)
Tuy nhiên, cũng giống cha mình, Jay lại không mấy mặn mà với nghề Luật sư. Khả năng nhạy bén và khôn ngoan luôn thôi thúc ông phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Năm 1953, ông tìm cách xoay xở vay mượn được 95.000 USD để mua lại công ty Colson chuyên hoạt động trong ngành chế biến sắt thép vốn đang gặp một số rắc rối với đội ngũ công nhân. Với sự tham gia của Bob, cậu em trai 26 tuổi của Jay vốn là một kỹ sư giỏi, chỉ trong một thời gian ngắn cải tổ lại hoạt động của Colson, công ty này bắt đầu làm ăn có lãi và đẻ ra tiền ngay sau đó.
Khối tài sản của 2 anh em nhà Pritzkers cứ thế mà phình to lên mãi theo năm tháng chỉ bằng một chiêu thức kinh điển: mua lại các công ty đang gặp vấn đề hoặc sắp phá sản, sau đó sáp nhập vào công ty đang hoạt động của mình để hình thành nên tập đoàn Marmon với doanh thu hàng tỷ USD.
Khi mới 35 tuổi vào năm 1957, Jay đã ghi tên mình vào gia phả dòng họ như một huyền thoại với một dấu son chói lọi. Trong một chuyến công tác đến Los Angeles và ngồi nhâm nhi cà phê tại quán Fat Eddie ở sân bay quốc tế Los Angeles, ông đã quyết định "chốt deal" bằng cách mua lại Hyatt House, một khách sạn đang ăn nên làm ra luôn trong tình trạng "cháy phòng" với giá 2,2 triệu USD.
Năm 1957, Jay Pritzker quyết định chi ra 2.2 triệu USD để mua khách sạn Hyatt House nằm sát sân bay Los Angeles. (Ảnh: Hotel Tech Report)
Ban đầu, Jay có ý định mua Hyatt chỉ với suy nghĩ đơn thuần của một người chuyên hành nghề bất động sản mà thôi. Thế nhưng vào những năm 1950 - 1960 khi mà việc di chuyển bằng đường hàng không bùng nổ ở Mỹ thì ông nhận ra rằng, khách đi máy bay hầu hết là những người làm ăn giàu có và họ sẵn sàng trả nhiều tiền để có được những phòng khách sạn đẹp và tiện nghi gần sân bay để nghỉ ngơi sau những chuyến bay dài.
"Hyatt House rõ ràng là khách sạn hạng sang đầu tiên mà tôi từng thấy tại một sân bay", ông nói với tờ Chicago Daily News. Chỉ trong 2 năm sau đó, khách sạn Hyatt House thứ hai được khai trương ở Burlingame, gần sân bay San Francisco, và rồi, thêm một khách sạn nữa được mở ra gần sân bay Seattle.
Vào năm 1961, Hyatt đã mở rộng thành một chuỗi khách sạn với trụ sở chính đặt tại Burlingame. Cũng trong năm đó, Donald Pritzker (còn được gọi là Don), Jay and Bob chính thức bắt tay nhau cùng quản lý chuỗi khách sạn này, trong đó, "Don chính là người đã thiết lập nên triết lý và văn hóa cho Hyatt", Patrick Foley, cựu chủ tịch tập đoàn khách sạn Hyatt nói.
Với khả năng điều hành của Don và sự tham gia của 2 em trai, Hyatt bắt đầu công cuộc bành trướng của mình một cách nhanh chóng. Năm 1967, bộ ba này mua lại một một tòa khách sạn mới xây ở khu trung tâm thành phố Atlanta do nhà đầu tư của nó bị rơi vào tình trạng vỡ nợ và phá sản. Họ cải tạo lại khách sạn và đặt tên là Hyatt Regency Atlanta với những đặc điểm nổi bật và khác lạ như: thang máy bằng kính, vòi phun nước được bố trí ở các sảnh, lồng chim với những chú chim từ xứ sở nhiệt đới được treo khắp nơi, và đặc biệt hơn, một đại sảnh rộng mênh mông kết nối xuyên suốt 21 tầng lầu - một cách bố trí lạ thường mà chưa có bất cứ khách sạn nào thời bấy giờ nghĩ ra.
Đây chính là một "cuộc cách mạng", biến chuỗi khách sạn Hyatt trở thành một người khổng lồ trong lĩnh vực khách sạn. Kể từ đó, những khách sạn Hyatt mới với phong cách khác lạ lấy cảm hứng từ khách sạn Hyatt Regency Atlanta được liên tục mở ra trên khắp nước Mỹ và cuối cùng hiện diện khắp thế giới.
Khách sạn Hyatt Regency Atlanta năm 1967. Ảnh: (Alfred Eisenstaedt/The LIFE Picture Collection via Getty Images)
Vào một ngày hè oi bức năm 1972, khi Don đang chơi tenis tại khu khách sạn Hyatt ở Hawaii thì đột nhiên ông cảm thấy choáng váng, đổ gục xuống bởi một cơn đau tim. Ra đi ở tuổi 39, mặc dù quá sớm nhưng ông cũng đã kịp xây dựng Hyatt thành một đế chế lớn gồm chuỗi khách sạn có quy mô lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Không chỉ vậy, gia tộc Hyatt còn quản lý 204 khách sạn ở nước ngoài cùng nhiều cổ phần ở các sòng bạc và khu nhà ở cho thuê khác.
Vài năm sau cái chết của Don, tập đoàn Hyatt dần được chuyển giao cho những hậu duệ tài năng đời thứ 3 của gia tộc Pritzker. Tom Pritzker, con trai trưởng và là người thông minh nhất trong 5 người con của Jay được xem là nhân vật xứng đáng nhất để thừa hưởng ngai vàng của cha để lại.
Ngay khi chỉ mới 5 tuổi, Tom đã được cha mình cho phép đi theo và ngồi hóng chuyện trong các cuộc họp bàn chuyện làm ăn quan trọng với đối tác. Ông cũng đã hoàn thành "nghiệp bút nghiên" tại Đại học Chicago với 2 tấm bằng Luật và Kinh doanh như một sự chuẩn bị hoàn hảo để sẵn sàng tiếp nhận đế chế Hyatt.
Có một điều ít ai biết, đó là trước khi trở thành ông chủ của chuỗi khách sạn khổng lồ Hyatt thì Tom lại là một người cực kỳ mộ đạo. Năm 1976, ông đã cùng vợ mình thực hiện một chuyến đi bộ 645km băng qua ngọn núi Himalaya để đến gặp Đức Dalai Lama. Kể cả khi gia nhập hãng luật gia đình Pritzker & Pritzker vào năm 1977 và 3 năm sau đó trở thành chủ tịch của tập đoàn Hyatt, ông vẫn luôn dành thời gian để theo đuổi và nuôi dưỡng niềm yêu thích của mình với các bộ môn nghệ thuật, lịch sử và triết học.
Tuy nhiên, bản năng kiếm tiền có từ thời ông cố đã ăn vào máu của Tom, cộng với sự khiêm tốn và ham học hỏi đã biến Tom thành một tài năng hiếm có trong kinh doanh. Chính Jay Pritzker vào những năm cuối đời cũng hiếm khi ra quyết định làm ăn mà không tham vấn trước con trai mình.
"Từ góc độ kinh doanh thì Tom và Jay chính là một cặp đôi hoàn hảo với mối quan hệ khăng khít đến khó tin", Tom Begel, chủ tịch tập đoàn TMB Industries, một đối tác làm ăn lớn của gia tộc Pritzkers cho biết. "Mỗi khi trên bàn đàm phán thì cả 2 trở thành một cặp bài trùng kẻ tung người hứng ăn khớp nhau đến kinh ngạc. Ngay cả tính cách và giọng điệu của cả hai cũng không khác nhau chút nào".
Tom Pritzker, ngôi sao sáng của dòng họ Pritzkers. (Ảnh: Jennifer S. Altman/WSJ)
Tom Pritzker không phải là một bản sao của cha mình bởi đơn giản, tài năng thiên bẩm của của Jay không thể được "nhân bản". Tuy nhiên, doanh nhân này có một điểm mạnh được di truyền từ thời cụ cố của mình khi mới di cư sang Mỹ. Đó là tham vọng lớn.
"Jay đã đi trước thời đại ở thời điểm ông ta xây dựng đế chế Hyatt, nhưng thế giới lúc đó không quá phức tạp như bây giờ. Tom chính là người phù hợp nhất mà Jay có thể tin tưởng để giao quyền chèo lái sự nghiệp kinh doanh của mình trong thế giới đầy cạnh tranh như hiện nay", Laurence Geller, CEO của khách sạn hạng sang Strategic Hotel Capital nhận xét.
Trong khi Tom chịu trách nhiệm quản lý điều hành công việc hàng ngày của chuỗi khách sạn Hyatt vào những năm 1980 - 1990, thì mảng xây dựng và mở rộng quy mô của Hyatt lại được tin tưởng đặt vào tay Nick Pritzker, một trong những người họ hàng gần gũi với Tom.
Nick là chủ tịch của Công ty Phát triển Hyatt có nhiệm vụ xây mới các khu nghỉ dưỡng và khách sạn. Công ty thành viên này được chính tay Nick lập nên vào năm 1997 với mục đích quản lý khối tài sản khổng lồ của gia tộc Pritzker cùng hàng loạt những thương vụ mua bán, sát nhập khách sạn trị giá nhiều tỷ USD.
Một trong những dấu ấn đậm nét của Nick chính là công trình xây dựng tòa cao ốc Park Hyatt, được xem là tổ hợp khách sạn hàng đầu của gia tộc Pritzker tọa lạc ngay góc giao lộ của đại lộ Chicago nối liền Michigan. Ở tổ hợp khách sạn văn phòng này người ta nhìn thấy sự hiện diện những chiếc ghế tựa và ghế để chân Eames bằng da thuộc màu đen - một dòng ghế thuộc hãng nội thất Herman Miller danh tiếng với mẫu ghế được thiết kế dành riêng cho thị trường nội thất cao cấp. Đây chính là biểu tượng của sự chuẩn mực và sang trọng được trang bị cho toàn bộ 202 phòng của khách sạn.
Không chỉ nổi danh với lĩnh vực khách sạn, Nick còn duy trì sự hiện diện của mình đằng sau thành công của hệ thống sòng bài dành riêng cho giới nhà giàu. Trong số hàng chục sòng bài lớn mà gia tộc Pritzkers đang sở hữu thì Grand Victoria ở thành phố Elgin (bang Illinois, Mỹ) là một trong những sòng bài thành công nhất nước Mỹ được đặt bên trong chiếc du thuyền sang trọng với doanh thu ròng lên tới 500 triệu USD mỗi năm. Thừa thắng xông lên, Nick xây dựng một sòng bài mới ngay tại chân thác Niagara ở phía bên biên giới của Canada để phục vụ nhóm khách mê đỏ đen mong muốn được có những trải nghiệm độc đáo tương xứng với số tiền khủng họ bỏ ra.
Một nhân vật nổi bật khác của gia tộc Pritzkers là Penny Pritzker, người phụ nữ phụ trách nhánh hoạt động bên ngoài lĩnh vực kinh doanh khách sạn của gia đình với tập đoàn mang tên Pritzker Realty Group.
Penny Pritzker là một phụ nữ hiếm hoi được giao quyền quản lý trong tập đoàn gia đình Hyatt. Bà cũng phục vụ cho chính quyền Obama trong vai trò Thư ký Bộ thương mại Hoa Kỳ. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Năm 1987, chỉ vài năm sau khi tham gia công việc làm ăn của gia đình, Penny bắt đầu rẽ sang một nhánh mới thuộc hệ thống Hyatt bằng cách đầu tư xây dựng nhà ở cho người cao tuổi. Ngày nay, chuỗi nhà nghỉ Classic Residence vận hành dưới thương hiệu của Hyatt đang quản lý hàng loạt các khu nghỉ dưỡng cao cấp dành riêng cho người già.
"Đây là mô hình nhà dưỡng lão đầu tiên được đầu tư nhằm phục vụ cho nhóm những người cao tuổi thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội Mỹ. Bởi trước đó lĩnh vực này chỉ tồn tại những trung tâm chăm sóc người già mà thôi", Jonathan Kempner, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư ngân hàng Mortgage đồng thời là bạn hàng lâu năm của Penny nói.
Ở tuổi 43, người mẹ 2 con Penny Pritzker là người phụ nữ đầu tiên thuộc dòng họ Pritzker được đặt chân vào hãng luật gia đình Pritzker & Pritzker vốn từ trước đến nay là lãnh địa chỉ dành riêng cho cánh đàn ông trong gia tộc.
"Cô ấy mang tính cách của một chú chó bulldog: không chấp nhận bất cứ thứ gì ngáng chân mình", Laurence Geller, một quản lý cấp cao của tập đoàn Hyatt nhận xét.
Sau nhiều năm cống hiến cho sự thịnh vượng và phát triển của gia tộc Pritzkers, từ tháng 6/2013 đến tháng 1/2017, Penny tham gia chính trường và phục vụ cho chính quyền Obama trong vai trò Thư ký Bộ thương mại Hoa Kỳ.
"Gia tộc Pritzkers hoạt động không khác gì một đội bóng. Họ có những cầu thủ đẳng cấp với đầu óc siêu đẳng trong các lĩnh vực tài chính, luật và phân tích. Chính vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy họ hiếm khi thất bại trên thương trường", Barry Render, giáo sư chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học Rollins College nói.
Hyatt Regency ở Việt Nam với những dự án "đỉnh cao của sự sang trọng"
Như vậy, kể từ năm 1957 khi Jay Pritzker lần đầu tiên mua lại Hyatt House ở khu vực sân bay Los Angeles cho đến nay, Hyatt dần phát triển thành một trong những tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực hàng đầu thế giới với 64 năm hình thành và phát triển, cũng như sở hữu kinh nghiệm quản lý và danh mục đầu tư hơn 950 khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp ở 67 quốc gia trên khắp thế giới (số liệu tính đến 30/11/2020).
Tại Việt Nam, tập đoàn Hyatt cũng đánh dấu sự hiện diện của mình bằng những dự án lớn được định danh ở phân khúc cao cấp.
Khách sạn Park Hyatt Saigon. (Ảnh: Kurihara)
Hyatt Regency được khởi công xây dựng và đi vào vận hành hoạt động với hai dự án "siêu phẩm" sang trọng và đẳng cấp là Park Hyatt Sài Gòn (năm 2005) và Hyatt Regency Đà Nẵng (năm 2011). Bên cạnh đó, dự án khách sạn Hyatt Regency Nha Trang là dự án thứ 3 của tập đoàn Hyatt tại Việt Nam được khởi công năm 2018, và Park Hyatt Phú Quốc được ra mắt vào cuối năm 2019.
Gần đây nhất, vào 10/2021, Tập đoàn Hyatt chính thức công bố dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa. Đây là dự án tổ hợp biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng sang trọng tọa lạc tại đường Ven Biển, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa được quy hoạch trên khu đất có tổng diện tích hơn 9ha, cung ứng ra thị trường 63 căn biệt thự biển và khối khách sạn hơn 250 phòng tiêu chuẩn 5 sao. Trong đó, phân khu biệt thự biển được gọi là Hyatt Regency Ho Tram Residence.
Đây là một dự án "khủng" cả về giá trị đầu tư, quy mô xây dựng lẫn thời gian thực hiện. Tháng 6/2003, dự án dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa (có tên pháp lý là Khu du lịch Mặt Trời Buổi Sáng) được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, thế nhưng đến 09/11/2020, UBND huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mới phê duyệt cho phép triển khai dự án này.
Ngày 24/4/2021, dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa đã được tổng thầu Coteccons và đơn vị phát triển IFF Holdings làm lễ khởi công với thời gian dự kiến hoàn thành và chính thức vận hành vào quý 3/2023.
Dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). (Ảnh: CafeLand)
Theo trang thông tin đầu tư bất động sản CafeLand thì chủ đầu tư hiện tại của dự án Hyatt Regency Resort & Spa là Công ty TNHH Hồ Việt Capital nắm giữ phần lớn số vốn đầu tư lên tới 90%. Phần còn lại là đóng góp của 2 cổ đông nhỏ lẻ khác.