Chấp nhận trả giá thuê mặt bằng cao hơn 20% Thế giới Di động
Như đã đưa tin, lùm xùm về trả tiền thuê mặt bằng của Thế giới Di động mới đây cuối cùng cũng đi đến hồi kết khi ông Trần Kỷ Mùi đối tác từng cho CTCP đầu tư Thế giới Di động thuê mặt bằng tại Thị xã An Nhơn, Bình Định, đã chấp nhận lời đề nghị thuê lại mặt bằng của hệ thống nhà thuốc Long Châu - được vận hành bởi FPT Retail (FRT).
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Thế giới Di động sẽ trả mặt bằng vào ngày 15/11. Sau đó, đến ngày 27/11, nhà thuốc Long Châu thuộc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) sẽ là đối tác thuê mặt bằng mới.
Đáng chú ý là đối tác mới này trả giá thuê mặt bằng cao hơn 20% so với giá chuỗi hệ thống của đại gia Nguyễn Đức Tài từng thuê.
Chủ nhà thông báo về việc kết thúc lùm xùm với Thế Giới Di Động.
"Tôi chấp nhận mất hai tháng tiền thuê nhà là 50 triệu đồng để hủy hợp đồng với Thế giới Di động. Ngay lập tức có người đàm phán thuê lại cho nhà thuốc Long Châu với mức giá cao hơn 20%", ông Mùi chia sẻ với báo Người Lao Động.
Nói về vai trò của mặt bằng với các hệ thống bán lẻ, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng và Marketing FPT Retail cho biết, các hệ thống bán lẻ luôn có nhiều kênh kinh doanh khác nhau, trong đó đối với kênh cửa hàng truyền thống thì yếu tố vị trí, địa điểm, không gian cửa hàng... mà chúng ta hay gọi chung là mặt bằng đóng vai trò tối quan trọng.
Còn về địa điểm nhà thuốc Long Châu vừa thuê, Giám đốc FPT Retail đánh giá đây là một vị trí rất đẹp trên địa bàn để mở cửa hàng dược phẩm, hơn nữa giá thuê là một mức giá có lợi cho các bên, đối với khách hàng thì sẽ dễ dàng tìm được nhà thuốc Long Châu để mua thuốc.
"Với FPT Retail thì vị trí này sẽ có tiềm năng sinh lợi tốt khi kinh doanh, và chủ nhà cũng sẽ cảm thấy hài lòng về mức giá", ông Bảo chia sẻ thêm.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng phải trả mặt bằng hoặc xin giảm tiền thuê thì việc FPT Retail đưa ra mức giá cao hơn hẳn mặt bằng từng được đối thủ thuê lại khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
FPT Retail đang làm ăn ra sao?
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (gọi tắt là FPT Retail) là một thành viên của Tập đoàn FPT Việt Nam, được thành lập vào ngày 8/3/2012 với hai thương hiệu chính là FPT Shop và F.Studio By FPT – Đại lý được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam ở cấp độ cao cấp nhất.
Tổng kết sau 9 tháng năm 2021, trong bối cảnh nhiều trở ngại do COVID-19, FPT ghi nhận 24.953 tỷ đồng doanh thu và 4.575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 17,9% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả doanh thu và lợi nhuận duy trì đà tăng trưởng tích cực với động lực chính từ mảng công nghệ và viễn thông. Như vậy, sau 9 tháng, Công ty đã hoàn thành khoảng 72% mục tiêu doanh thu và 74% lợi nhuận cả năm.
Trong đó, hệ thống bán lẻ FPT Shop là chuỗi chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện và dịch vụ công nghệ…
Và hệ thống F.Studio By FPT - chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple. FPT Retail là công ty đầu tiên có chuỗi bán lẻ với mô hình cửa hàng chuẩn của Apple, bao gồm: AAR (Apple Authorised Reseller) và iCorner.
FPT Shop và F.Studio by FPT cũng là chuỗi bán lẻ đã giao lượng máy iPhone 13 series chính hãng nhiều nhất tại Việt Nam.
Đại diện FPT Shop cho hay, ghi nhận trong ngày đầu bán ra iPhone 13 Series hôm 22/10, FPT Shop và F.Studio by FPT đã thu về gần 200 tỷ đồng khi bán ra gần 5.000 máy, phá vỡ kỷ lục trong tất cả các kỳ mở bán.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2021, doanh thu FPT Retail tăng 36% so với cùng kỳ lên 4.359,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 253,1% lên 30,2 tỷ đồng.
Trong đó, FPT Shop có lợi nhuận tăng vọt do nhu cầu mua laptop để làm việc, học tập online của người dân trong mùa dịch, doanh thu laptop của công ty đạt 1.329 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ.
Riêng 5 tháng đầu năm 2021, FPT Shop đang là chuỗi cửa hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, vươn lên đứng đầu thị trường bán lẻ laptop với 31% thị phần, theo số liệu GfK.
Như vậy, tính trung bình cứ 10 laptop bất kỳ thì có hơn 3 máy được mua tại FPT Shop. Số liệu GfK còn cho biết thêm, laptop gaming đạt mức tăng trưởng kỷ lục: tăng 217% (tức gần gấp 3 lần so với 5 tháng cùng kỳ năm 2020).
Nhà thuốc Long Châu bội thu trong đại dịch.
FPT Pharma - đơn vị vừa mở nhà thuốc Long Châu tại địa điểm có ồn ào liên quan đến thuê mặt bằng thời gian vừa qua của Thế giới Di động là công ty con của FPT Retail. FPT Pharma thành lập ngày 13/9/2018, sở hữu chuỗi Nhà thuốc Long Châu (CTCP Dược phẩm FPT Long Châu) chuyên kinh doanh dược phẩm, dụng cụ y khoa, thực phẩm chức năng chính hãng.
Hơn thế, CTCP Dược phẩm FPT Long Châu cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu. Chuỗi Long Châu đã ghi nhận thêm doanh thu hơn 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu tiêu dùng thuốc, các sản phẩm y tế tăng cao trong đại dịch COVID-19 và mở thêm 133 cửa hàng mới so với thời điểm cuối tháng 6/2020.
Hiện nay, FPT Retail đang sở hữu tổng số hơn 630 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Đội ngũ nhân viên lên tới hơn 6.000 người. Trong đó, chuỗi Long Châu mở mới thêm 68 cửa hàng nâng tổng số cửa hàng kinh doanh là 268 cửa hàng và đã ký đủ 150 hợp đồng thuê nhà, mở bán được 68 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng đang hoạt động lên 268 cửa hàng.
Hải Yến
Doanh nghiệp và Tiếp thị