Nhận định này vừa được Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đưa ra trong báo cáo cung - cầu thịt heo trong nước và thế giới.
Theo Cục này, tỷ trọng thịt heo nhập khẩu hiện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng trong nước. Do đó, nhập khẩu heo không phải là lý do chính khiến tình trạng giá heo hơi xuống thấp thời gian qua.
"Nguyên nhân chủ yếu là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và cung vượt cầu. Đặc biệt, dịch bệnh khiến heo quá lứa tồn đọng lớn và khó tiêu thụ", Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nêu.
Trích dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, hết tháng 9, đàn heo cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ 2020, sản lượng heo hơi xuất chuồng đạt hơn 3 tỷ tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn heo quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con).
Đối với hàng nhập khẩu, theo Cục Thú y, 9 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt heo là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt heo trong nước.
"Đây là tình trạng chung xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Người chăn nuôi tại các nước có ngành sản xuất chăn nuôi lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc... cũng đang phải đối mặt với khó khăn này", Cục chế biến dẫn chứng và cho biết thêm, tại Trung Quốc cũng đang xảy ra tình trạng dư nguồn cung.
Cụ thể, sản lượng heo tại Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm tăng 38% so với năm ngoái đạt hơn 39 triệu tấn. Giá heo tại Trung Quốc hiện đã giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi bán tháo...
Tại EU, ngành thịt heo của nước này phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên nguồn cung đang dư thừa và giá xuất khẩu cũng giảm mạnh.
Ngoài lý do cung cầu, bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 24/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan còn cho biết giá heo hơi giảm là do yếu tố cảm xúc.
Theo ông, các thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến cảm xúc người nông dân và tạo hiệu ứng về giá cả. Đơn cử như thông tin tồn đọng 8 triệu con heo trong chuồng khiến người nông dân lo ngại, dẫn đến việc bán nhanh, bán tháo, bán bằng mọi giá. Cùng lúc nhiều người bán, thị trường lại bị đứt gãy do Covid-19, nhà hàng, khu du lịch chưa mở cửa... Giá cả được quyết định đơn thuần dựa vào cung và cầu, bây giờ thêm yếu tố cảm xúc sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khiến giá heo hơi đi xuống.
Những ngày qua, giá heo hơi trong nước giảm xuống mức thấp. Giá heo hơi loại 1 đang quanh mức 36.000-40.000 đồng một kg. Riêng heo quá lứa (trọng lượng trên 120 kg) có giá 28.000-32.000 đồng một kg nhưng khó bán.
Trước thực trạng này, Hội chăn nuôi đã kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ kiểm soát heo nhập khẩu, đặc biệt là những sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm để ổn định lại giá trong nước.
Ngoài ra, với lượng heo quá lứa tồn đọng lớn, các doanh nghiệp và hiệp hội dự báo Việt Nam phải mất 2-3 tháng mới có thể giải quyết xong lượng hàng tồn. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần mở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Các doanh nghiệp lớn cần lên kế hoạch tích trữ để tránh tình trạng thiếu hụt thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là giải pháp giúp giá heo hơi phục hồi nhanh hơn.
Thi Hà