vĐồng tin tức tài chính 365

Miền Tây lo dịch diễn biến phức tạp

2021-10-26 06:17

Những ngày vừa qua, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ Y tế, diễn tiến ca nhiễm COVID-19 của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong năm ngày (từ ngày 20 đến 24-10) liên tục tăng, có 4.936 ca mắc mới.

Miền Tây lo dịch diễn biến phức tạp - ảnh 1
Đồ họa: GIA TUỆ

Miền Tây lo dịch diễn biến phức tạp - ảnh 2
Đồ họa: GIA TUỆ

Số ca mắc tăng, dịch ngoài cộng đồng phức tạp

Các địa phương có ca mắc tăng là An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu. Trong đó, An Giang phát sinh ổ dịch từ BV đa khoa trung tâm An Giang, ổ dịch ngoài cộng đồng tại huyện Chợ Mới. Sóc Trăng có ổ dịch tại một công ty thủy sản ở huyện Trần Đề. Tại Hậu Giang, những ngày qua xuất hiện các ổ dịch cộng đồng ở các xã Vị Bình, Vị Thanh (huyện Vị Thủy), Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp), Xà Phiên (huyện Long Mỹ) và BV đa khoa tỉnh. 

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết những ngày gần đây tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 là người về từ ngoài tỉnh trong đợt hồi hương do ảnh hưởng dịch bệnh. Đáng quan tâm, trong các ca mắc có nhiều người đã tiêm đủ hai mũi vaccine, người đã khỏi bệnh.

“Những người này khi về địa phương chúng tôi đã tiến hành cho cách ly tập trung theo quy định, sau đó về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, khi vừa kết thúc quy trình cách ly thì dương tính. Đó là lý do tỉnh liên tiếp phát hiện ổ dịch cộng đồng trong thời gian gần đây” - ông Trương Cảnh Tuyên nói.

Ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết để có sự giám sát, theo dõi chặt chẽ, không để dịch bùng phát, hiện nhiều địa phương đã lập tổ COVID-19 cộng đồng nhằm giám sát chặt người về từ vùng dịch. Điển hình từ 12 giờ ngày 23-10 đến 12 giờ ngày 24-10, toàn tỉnh Bến Tre có 17 ca mắc COVID-19, trong số này có 16 ca trong cộng đồng và một ca trong khu cách ly, phong tỏa. Đến sáng 25-10, tỉnh tiếp tục ghi nhận thêm năm ca trong cộng đồng, phần lớn là người về từ ngoài tỉnh. “Người về từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế và qua tầm soát cộng đồng, giám sát người về từ vùng dịch, địa phương đã phát hiện nhiều F0 và kịp thời đưa đi điều trị, giảm nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng” - ông Tán cho hay.

Đẩy nhanh độ phủ vaccine

Hiện tỉ lệ người dân được tiêm vaccine ở ĐBSCL vẫn rất thấp. Nhiều địa phương ở vùng này đang kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để đảm bảo phủ hết dân số trong độ tuổi nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã tiêm trên 730.750 liều vaccine phòng COVID-19 (trong đó có 63,79% dân số đã tiêm mũi 1 và 10,7% dân số đã tiêm mũi 2). Tỉnh đề nghị tiếp tục phân bổ vaccine để thực hiện các chiến dịch tiêm nhằm đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Tỉnh Đồng Tháp, tính đến tối 24-10, đã tiêm được 905.074 liều vaccine (tiêm mũi 1 là 795.563 liều, đạt 67,35% dân số; tiêm mũi 2 là 109.511 liều, đạt 9,27% dân số). Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) cấp bổ sung 319.216 liều vaccine Vero Cell. Trong đó, tiêm mũi 2 cho người dân trở về tỉnh là 19.216 liều; bổ sung để tiếp tục triển khai tiêm đủ hai mũi là 300.000 liều cho 150.000 đối tượng chưa được tiêm trong tỉnh. 

Sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị khi dịch bùng phát

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chuẩn bị sẵn các phương án để ứng phó.

Theo đó, Cà Mau đã chuẩn bị tổng cộng 1.740 giường tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1.090 giường sẵn sàng tiếp nhận điều trị, còn 650 giường đang hoàn tất… Sóc Trăng huy động 4.778 nhân viên y tế cộng thêm một êkíp hỗ trợ từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và mới đây tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 9 điều động 300 cán bộ để hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Hiện 28 cơ sở thu dung, điều trị F0 với tổng số 2.347 giường bệnh của tỉnh luôn sẵn sàng để phục vụ việc thu dung, điều trị các ca bệnh xảy ra trên địa bàn.

Còn tại Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL, nơi được xem có hệ thống y tế tốt nhất trong 13 tỉnh, thành của vùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết sau một tuần TP thực hiện việc phòng chống dịch theo Nghị quyết 128 thì tình hình vẫn ổn. “Về khả năng điều trị, tính đến 14 giờ ngày 24-10, Cần Thơ vẫn chia làm ba tầng điều trị với khả năng điều trị 3.220 giường, trong đó số giường tầng 3 vẫn giữ nguyên kể từ đầu mùa dịch đến nay là 200 giường” - ông Hiển nói.

“Theo kịch bản đã chuẩn bị sẵn, trong trường hợp phát hiện dịch bệnh trong cộng đồng, chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trước mắt khoanh vùng rộng để xét nghiệm, thần tốc truy vết, bóc tách F0, sau đó cách ly, phong tỏa ở khu vực hẹp nhất có thể” - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đã thành lập bảy BV dã chiến với quy mô 1.100 giường, hiện còn năm BV dã chiến đang thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 và phân chia theo ba tầng điều trị. Hiện nay, tình trạng người ngoài tỉnh về có giảm so với những ngày đầu tháng 10 nhưng số ca xét nghiệm PCR dương tính trong nhóm người ngoài tỉnh vẫn cao đã đặt ra yêu cầu phải tăng cơ sở thu dung và điều trị COVID-19.

“Nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của tỉnh vẫn còn hạn chế. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục có chính sách hỗ trợ và tăng cường tập huấn về công tác điều trị, nâng cao kỹ năng hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch” - ông Kiên Sóc Kha cho biết thêm.•

Khẩn trương có kế hoạch lập trạm y tế lưu động

Ngày 25-10, Bộ Y tế đã có Công điện 1700/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, TP đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã bước đầu hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh; số ca mắc và tử vong đã giảm rõ rệt.

Các địa phương đã từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội, chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong thời gian này, số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số ca mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh; một số địa phương nơi người dân trở về đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm nhiều ca mắc trong ngày.

Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung:

Chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, TP có số ca mắc cao (như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...).

Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19.

Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế. Đồng thời, các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch COVID-19 theo từng cấp độ trên địa bàn, không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng…

Tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân về từ khu vực có dịch chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định. HÀ PHƯỢNG

 

Xem thêm: lmth.9393201-pat-cuhp-neib-neid-hcid-ol-yat-neim/eohk-cus/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Miền Tây lo dịch diễn biến phức tạp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools