Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ ban hành liên tục 2 Nghị quyết số 60 và mới đây là Nghị quyết 133. Đến nay, nhu cầu vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông đang thi công chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.
Nghị quyết 133 đã giải quyết 12 triệu m3 đất đắp cho cao tốc
Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, cuối tháng 9/2021, tại thời điểm kiểm tra, 9 dự án trong tổng số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có tổng nhu cầu đất đắp nền đường khoảng 51 triệu m3 (sau khi đã sử dụng đất đắp nền đường tại chỗ).
Ngoài 2 dự án thiếu khối lượng rất ít (Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua Quảng Trị thiếu khoảng 160.000 m3, cầu Mỹ Thuận 2 thiếu khoảng 40.000 m3), các dự án còn lại thiếu khối lượng lớn gồm: Mai Sơn - QL45 (thiếu 7,1 triệu m3), Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua Thừa Thiên - Huế thiếu 1,9 triệu m3), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (thiếu 7,5 triệu m3), Phan Thiết - Dầu Giây (thiếu 4,5 triệu m3).
Nguồn vật liệu đất đắp nền đường đã dần ổn định. Ảnh: VGP
Có thể thấy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công) đã phần nào tháo gỡ được khó khăn về vật liệu cho cao tốc.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP, các địa phương đã cấp phép mới 7 mỏ đất và chuẩn bị cấp phép khai thác mới 11 mỏ đất; nâng thêm 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác 11 mỏ đất. Tuy nhiên, các dự án vẫn còn thiếu khoảng 22 triệu m3 tại 7 dự án thành phần do sau khi thử nghiệm đã loại bớt một số mỏ đất không đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Ông Lê Quyết Tiến cho biết, nếu như Nghị quyết số 60/NQ-CP chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác thì Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP đã tiếp tục tháo gỡ vấn đề này khi cho phép địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép.
Đồng thời, Nghị quyết số 133/NQ-CP có thêm điểm mới nữa là Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép khai thác mỏ vật liệu, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu.
"Cách đây gần 2 tháng, nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường cao tốc Bắc-Nam thiếu hơn 22 triệu m3. Sau khi Chính phủ ban hành liên tục 2 Nghị quyết (Nghị quyết số 60 và mới đây là Nghị quyết 133), đến nay, nhu cầu vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông đang thi công chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.
Nguồn vật liệu đất đắp nền đường đã dần ổn định. Một số địa phương - điển hình là Bình Thuận - đã cấp phép thêm được mỏ vật liệu, cùng với các mỏ được nâng công suất khai thác chắc chắn sẽ cải thiện nguồn cung vật liệu cho cao tốc Bắc-Nam", ông Lê Quyết Tiến thông tin.
Hình minh họa - Ảnh: Dân trí.
Nhà thầu vui mừng
Đại diện Công ty TNHH Định An, nhà thầu đang thực hiện thi công tại dự án QL45 - Nghi Sơn cho biết, để phục vụ đất đắp cho 2 gói thầu XL01 và XL02, nhà thầu đã xin tỉnh Thanh Hóa cho phép khai thác mỏ đất tại huyện Như Thanh và được chấp thuận.
Mỏ đất này có trữ lượng khoảng 5 triệu m3, nhà thầu xin khai thác với công suất tối đa 4 triệu m3/năm, giá cả vật liệu cơ bản không vượt dự toán.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Liên danh gói thầu XL04 thuộc dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, sau khi áp dụng Nghị quyết 133 cùng với việc tỉnh Đồng Nai ra văn bản hướng dẫn cho phép cải tạo đất nông nghiệp, gò đồi đã tháo gỡ triệt để việc khan hiếm nguồn cung đất đắp. Tỉnh Đồng Nai cũng đang tiến hành song song các thủ tục để đẩy nhanh cấp phép các mỏ đất vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ cơ bản giải quyết xong nguồn đất đắp cho 2 gói thầu qua địa bàn.
"Các mỏ đang làm quy trình cấp phép nằm rất gần dự án, chỉ khoảng 4-8 km. Do tiết kiệm được các chi phí nghiền sàng, không phải vận chuyển đi xa như trước, ước tính giá đất đắp chỉ dưới 100.000 đồng/m3, còn trước đây là 150.000 đồng/m3. Các nhà thầu như đã cởi được gánh nặng trên lưng", ông Lê Anh Tuấn vui mừng cho biết.
Riêng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, vật liệu san lấp cần cung cấp cho đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dự kiến thiếu 4,7 triệu m3. Để có nguồn vật liệu thi công dự án, nhà đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) kiến nghị tỉnh Khánh Hòa được lập phương án và múc đất mặt bằng trước mắt tại 5 vị trí đồi đất lân cận tuyến đường cao tốc với tổng trữ lượng khoảng hơn 1 triệu m3.
Mặc dù kiến nghị này đã được tỉnh Khánh Hòa đồng ý về chủ trương, cho phép nhà đầu tư được lập phương án và múc đất tạo mặt bằng tại 5 vị trí, tuy nhiên, các điểm này nằm ngoài quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của tỉnh nên hiện chưa áp dụng Nghị quyết 133 của Chính phủ. Hiện, Khánh Hòa đang lập hồ sơ, điều chỉnh quy hoạch, đưa các điểm mỏ đề xuất vào quy hoạch. Dự kiến tháng 12 này sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 4 thông qua, sau đó mới áp dụng Nghị quyết 133.
Trước đó, tại buổi họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì về tháo gỡ khó khăn cho cao tốc Bắc-Nam ngày 20/10, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã đẩy nhanh các thủ tục cấp mới các mỏ vật liệu xây dựng và tận thu vật liệu đất đồi, dự kiến bổ sung thêm khoảng gần 2 triệu m3 đất đắp. Số còn lại tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 mà Chính phủ vừa ban hành để bổ sung đưa thêm các mỏ vào quy hoạch, đồng thời triển khai nâng công suất các mỏ đạt chất lượng.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, theo tiến độ đang triển khai, các dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ có đủ vật liệu đất đắp cho đến hết quý I/2022, trong thời gian đó các địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc phê duyệt, cấp phép hoặc nâng công suất thêm các mỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!