TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận được kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), hủy giấy chứng nhận (GCN) và bồi thường thiệt hại tại quận Tân Phú, TP.HCM.
Đáng chú ý trong vụ kiện này, nguyên đơn đòi UBND quận liên đới bồi thường thiệt hại.
Một mảnh đất cấp hai giấy chủ quyền
Tháng 5-2017, bà Hoàng Thị Thu Nga nhận chuyển nhượng QSDĐ diện tích 70,5 m2 tại thửa 367 tờ bản đồ 132, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú của vợ chồng ông Phạm Văn Dị Em. Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Giá trị trên hợp đồng thỏa thuận là 450 triệu đồng, thực tế thanh toán 1,82 tỉ đồng.
Việc thanh toán đã đầy đủ và cập nhật sang tên cho bà Nga trên GCNQSDĐ. Đất để trống đến tháng 3-2018 thì bà Nga phát hiện có người xây dựng trên đất. Qua tìm hiểu, bà Nga biết rằng người này cũng được cấp GCN đối với phần diện tích đất trên.
Sau khi bà Nga khiếu nại đến UBND quận, kết luận thanh tra xác định GCN cấp cho ông Em là sai…
Bà Nga khởi kiện, đề nghị tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng và buộc UBND quận cùng vợ chồng ông Em liên đới bồi thường giá trị đất tại thời điểm xét xử cho bà vì có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi.
Tại phiên sơ thẩm, đại diện UBND quận Tân Phú cho rằng căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì yêu cầu buộc cơ quan này liên đới bồi thường thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện hoặc cơ quan chủ quản có cán bộ vi phạm. Từ đó, UBND đề nghị TAND TP.HCM không xét xử đối với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn.
HĐXX TAND TP.HCM cho rằng UBND nêu căn cứ đúng nhưng đề nghị này không được chấp nhận vì ngoài việc khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, nguyên đơn còn yêu cầu hủy GCN. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.HCM. Đồng thời, để giải quyết triệt để vụ án, TAND TP.HCM thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường trong cùng vụ án.
Ủy ban sai nhưng không liên quan đến việc chuyển nhượng
Theo tòa, từ kết luận thanh tra, nguồn gốc và quá trình cấp đổi GCN, đủ cơ sở xác định cùng một thửa đất, ông Em đã chuyển nhượng cho người khác, sau này lại tiếp tục xin cấp GCN và chuyển nhượng cho bà Nga là vi phạm điều cấm của pháp luật.
Lỗi làm cho hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu hoàn toàn thuộc về phía ông Em.
UBND quận Tân Phú đã có những sai phạm trong quá trình xác minh, dẫn đến việc nhận định lô đất này chưa được tách thửa và cấp GCN riêng; từ đó cấp GCN mà không phát hiện thửa đất trên trùng ranh hoàn toàn với thửa đất khác trong GCN cấp cho một người khác. Việc cấp GCN này là trái pháp luật.
Theo kết quả định giá, tiền chênh lệch giá thị trường sau khi trừ 2 tỉ đồng ông Em đã bồi thường trước đó là hơn 2,661 tỉ đồng. Về trách nhiệm bồi thường, HĐXX nhận thấy việc giao dịch giữa hai bên (đặt cọc) xảy ra trước khi có hành vi cấp GCN trái pháp luật của UBND quận Tân Phú. Toàn bộ số tiền đặt cọc cũng như tiền chuyển nhượng đất bà Nga đều giao cho phía ông Em.
Thiệt hại chỉ phát sinh khi ông Em ký hợp đồng, UBND không liên quan tới giao dịch này. Lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu là do vi phạm điều cấm của pháp luật hoàn toàn do vợ chồng ông Em gây ra nên ông bà phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiệt hại phát sinh.
Phía UBND quận Tân Phú không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ phát sinh giao dịch nhưng cũng không khỏi trách nhiệm trong công tác quản lý hành chính...
Từ đó, tòa tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, hủy GCN. Vợ chồng ông Em phải bồi thường cho bà Nga. Tòa không chấp nhận việc yêu cầu UBND phải liên đới bồi thường.
Công chức sai phạm đã bị xử lý kỷ luật HĐXX TAND TP.HCM nhận định chính sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan tham mưu cho UBND quận Tân Phú dẫn đến cùng một diện tích đất mà cấp hai GCN. Những sai phạm trong việc cấp GCN được thể hiện trong kết luận thanh tra. Cán bộ, nhân viên có hành vi vi phạm đã được UBND quận Tân Phú xử lý kỷ luật theo quy định… |