Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là nội dung trong công điện để tăng cường kiểm soát và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128 của Bộ Y tế.
Số xã phường vùng cam, đỏ có gia tăng
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, số xã phường vùng đỏ đã tăng khoảng 10%, xã phường vùng cam tăng 20% so với thống kê ngày trước đó, do địa phương vùng xanh, vàng xuất hiện ca bệnh, chùm ca bệnh mới.
Bô Y tế đề nghị rà soát những người đi từ vùng có số mắc cao chủ động giám sát, xét nghiệm người có nguy cơ cao, nhất là người về từ vùng dịch cấp độ 3, 4, người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khoẻ phù hợp.
Các địa phương phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch theo từng cấp độ trên địa bàn, không để bị động, tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có một công điện đề nghị các tỉnh thành đảm bảo thu dung, điều trị của cơ sở y tế, thích ứng an toàn với dịch, yêu cầu các tỉnh thành có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19, đảm bảo số giường cấp cứu, củng cố hạ tầng kỹ thuật về oxy y tế tại cơ sở y tế các tuyến.
Bộ Y tế cũng đề nghị cơ sở khám chữa bệnh xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ để phát hiện ca bệnh sớm.
Tiêm vắc xin tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM tổ chức tập huấn tiêm vắc xin cho trẻ em
Sáng nay 26-10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về bảo đảm an toàn tiêm vắc xin COVID-19 chi trẻ em. Học viên là nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập, ngoài công lập; trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức; trạm y tế phường, xã, thị trấn; phòng khám tư nhân.
Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cũng tổ chức buổi triển khai trực tuyến về công tác chuẩn bị tiêm vắc xin cho học sinh.
Hôm qua ngày 25-10, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản khẩn đến Viện Pasteur TP.HCM để xin ý kiến tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Sở Y tế đề nghị Viện Pasteur TP chấp thuận cho phép sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn.
Trước đó, ngày 22-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, với số trẻ dự kiến khoảng 780.000 em.
Bệnh viện TP.HCM chuyển đổi khu cách ly F0 thành khoa COVID-19
Để luôn sẵn sàng ứng phó với dịch và thực hiện chức năng khám, chữa bệnh thông thường cho người dân, các bệnh viện công lập và tư nhân tại TP.HCM đang chuyển đổi những khu vực cách ly F0 trước đây trở thành các đơn vị hoặc các khoa COVID-19.
Các bệnh viện dã chiến quận, huyện cũng đang được duy trì và phát triển đảm bảo mỗi địa bàn quận, huyện luôn sẵn sàng thu dung và cách ly điều trị thay thế cho các bệnh viện dã chiến của thành phố đã hoàn thành sứ mệnh.
Trong giai đoạn mới, TP sẽ hình thành 3 bệnh viện dã chiến 3 tầng, trên cơ sở tổ chức lại 3 bệnh viện dã chiến số 16, 13, 14 và các trung tâm hồi sức của các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế bàn giao lại cho TP.
Với mô hình 3 tầng trong một bệnh viện, người bệnh sẽ được chăm sóc tại chỗ, không phải chuyển viện khi tình trạng bệnh chuyển nặng.
Đông Nam Á lắng dịu, các nước vạch kế hoạch bình thường mới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 25-10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 244.585.102ca mắc COVID-19 và 4.966.932 ca tử vong. Số ca hồi phục là 221.580.079 ca.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia ngày 25-10 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8-4, giúp nước này duy trì chuỗi 25 ngày liên tiếp có số ca COVID-19 ở mức quanh 200 ca/ngày, thậm chí chỉ còn trên 100 ca/ngày trong mấy ngày gần đây.
Campuchia có thêm 116 ca COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 17 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh tại nước này từ đầu mùa dịch đến nay lên 117.888 ca, có 9 ca tử vong, trong đó có 6 ca chưa tiêm phòng.
Việc các nước láng giềng của Campuchia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore và Việt Nam dỡ bỏ bớt hạn chế đối với khách đến từ Campuchia và nhiều nước khác là cơ sở để Campuchia sớm đưa ra thông báo giảm bớt các điều kiện khi nhập cảnh vào nước này.
Bà Or Vandine, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt quốc gia về tiêm chủng COVID-19 của Campuchia - Ảnh: KHMER TIMES
Lào cũng vừa công bố lộ trình phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19 giai đoạn 2021-2025: hỗ trợ thúc đẩy du lịch trong nước; thiết lập bong bóng du lịch với các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh thấp và tập trung chính sách du lịch xanh, bền vững.
Ngày 25-10, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 615 ca mắc mới và 1 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới, có 612 ca cộng đồng ghi nhận tại 11 tỉnh, thành. Đến nay, tổng số ca COVID-19 tại Lào là 36.248 ca, trong đó có 53 ca tử vong.
Tại Malaysia, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong ngày 25-10 ở mức thấp nhất trong 4 tháng gần đây, với 4.782 ca. Kể từ khi ghi nhận số ca kỷ lục hôm 26-8 với 24.599 người mắc, số ca nhiễm mới tại Malaysia có xu hướng giảm dần từ mức 5 con số và duy trì ở mức 4 con số bắt đầu từ ngày 3-10.
Tính đến chiều 25-10, Malaysia có 2.436.498 ca COVID-19, trong đó có 28.400 bệnh nhân không qua khỏi.
Người dân thủ đô Seoul xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Hàn Quốc bình thường mới, quán rượu mở lại ở Nhật
Tại khu vực Đông Bắc Á, ngày 25-10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố nước này sẽ từng bước trở lại cuộc sống bình thường kể từ tháng 11 tới trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng gia tăng nhưng tiếp tục duy trì đeo khẩu trang sau tháng 11 tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Còn tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, từ ngày 25-10, các nhà hàng không còn bị hạn chế thời gian phục vụ và được phép bán đồ uống có cồn. Ngày 24-10, Tokyo ghi nhận 19 ca COVID-19 mới, không có ca tử vong. Trung bình 7 ngày qua, số ca mới tại Tokyo là 31,3 người.
Tại Israel, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng đã giảm xuống dưới 300 ca, ngày 25-10 số ca COVID-19 nặng tại nước này đã giảm còn 284 ca, so với trung bình trên 700 ca trong tháng trước.
Tính đến ngày 24-10, tại Israel có trên 11.970 ca COVID-19 đang điều trị, trong đó chỉ có 414 ca phải nhập viện. Trong ngày cũng chỉ có 330 ca dương tính, với tỷ lệ 0,97%, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Một bệnh nhân ung thư máu được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba tại Ramat Gan, Israel - Ảnh: Financial Times
Nga đối mặt ca mới gia tăng, vắc xin chậm chạp
Tuy nhiên, tại một số nước như Nga, Ba Lan, New Zealand và Papua New Guinea, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 25-10, Nga thông báo ghi nhận 37.930 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch.
Đối mặt với số ca mắc mới gia tăng và thất vọng với tốc độ tiêm vắc xin chậm chạp, Chính phủ Nga đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong tuần này để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ba Lan cùng ngày thông báo số ca COVID-19 ở nước này đã tăng 90% so với tuần trước. Nếu xu hướng dịch bệnh này tiếp diễn, Ba Lan có thể phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, có thể liên quan đến quy định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
Với 109 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, New Zealand hiện vẫn chưa kiểm soát được đợt bùng phát do biến thể Delta gây ra tại Auckland dù đã áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại đây trong hơn hai tháng qua.
Thủ tướng Jacinda Ardern phải từ bỏ chiến lược "loại bỏ hoàn toàn COVID-19" và chuyển sang "sống chung với COVID-19". Trong khi đó, Papua New Guinea cũng đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng vọt, đe dọa gây quá tải hệ thống y tế.
TTO - Ngày 25-10, Hãng dược Moderna cho biết vắc xin COVID-19 hai liều của họ sinh phản ứng miễn dịch mạnh và được dung nạp tốt ở trẻ từ 6-11 tuổi. Moderna sẽ sớm nộp dữ liệu lên cơ quan chức năng để cấp phép.
Xem thêm: mth.86414956062011202-iom-hcid-meid-ueihn-02-01-gnat-od-mac-gnuv-gnouhp-ax-01-62-gnas-nit/nv.ertiout