Đại diện Thành đoàn TP.HCM cùng các đơn vị hỗ trợ đến thăm hỏi và tặng quà, học bổng cho các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: C.K.
Ba mẹ tôi đã quyết định nhận em về nuôi dưỡng và chăm sóc. Từ khi về nhà, em vốn dĩ là một đứa trẻ hiếu động đã luôn im lặng, ngồi thẫn thờ hoặc trốn một góc nhỏ. Có ai đó nhắc đến ba mẹ, cậu bé lại rơi nước mắt. Mẹ tôi xót xa, dù gia đình đã tìm đủ mọi cách để em vui, nhưng dường như nỗi mất mát quá lớn so với tâm hồn non nớt của bé.
Trong những lần nói chuyện với cậu bé, tôi nhận ra bé chưa ý thức được hoàn toàn về sự ra đi của ba mẹ em, chỉ thấy nhớ, cô đơn và buồn tủi vì không còn được những vỗ về, yêu thương từ hai đấng sinh thành như trước. Nhận được một thứ quà bánh nào, em thường nói với tôi: "Em muốn chờ ba mẹ em về ăn cùng". Tôi không thể giải thích cho em về sự ra đi vĩnh viễn của ba mẹ em.
Với trường hợp nhiều em đang ở độ tuổi thiếu niên, dù đã có hiểu biết nhưng có lẽ vẫn cứng cỏi để đối diện và chấp nhận nỗi đau. Tất thảy những nỗi niềm, cảm xúc bị đè nén trong những ngày phong tỏa, giãn cách và một mất mát quá to lớn cùng lúc dồn lên những đôi vai bé nhỏ. Mất đi cha mẹ là một nỗi đau khủng khiếp vượt xa cả sức chịu đựng của người trưởng thành, các em không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ép bản thân phải đứng vững.
Nếu không nhận được sự hỗ trợ và an ủi về tinh thần, những đứa trẻ này chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng trong tương lai. Không chỉ đối diện với nỗi lo tiềm ẩn về tài chính, nơi ở, trẻ em sẽ có nguy cơ mắc phải các bệnh lý như: trầm cảm, hậu chấn tâm lý, mất ngủ..., thậm chí nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến hành vi khác thường kéo theo hàng loạt vấn đề về thể chất khác.
Nếu cha mẹ qua đời vì COVID-19 trong khu cách ly hay bệnh viện mà chẳng thể nói lời từ biệt, trẻ có thể mắc sang chấn tâm lý gấp nhiều lần người bình thường mất cha mẹ. Cá nhân tôi nghĩ rằng việc gia đình không thể tổ chức tang lễ hay tụ họp cùng nhau để tưởng nhớ người đã khuất càng làm trầm trọng thêm nỗi buồn mà trẻ em phải gánh chịu.
Những nỗi đau thương vì đột ngột phải mất đi người thân sẽ cùng đứa trẻ đi qua hành trình trưởng thành đầy trở ngại, khi nỗi đau tích tụ và lớn dần qua mỗi cột mốc mới trong cuộc đời. Thi thoảng nỗi đau sẽ được gợi về trong tiềm thức qua những kỷ niệm và sự dằn vặt, day dứt chiếm lấy tâm trí đứa trẻ.
Bản thân tôi và gia đình đã tham khảo nhiều nguồn ý kiến từ các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ em họ của mình. Mấy ngày nay, mọi người tổ chức những buổi cùng nấu ăn, làm vườn cùng nhau, em dần hoạt bát hơn dù đôi mắt vẫn buồn ngơ ngác. Đêm nào mẹ tôi cũng dành thời gian để trò chuyện với hy vọng sẽ giúp em sớm bình tâm.
Từ câu chuyện của gia đình mình, tôi cho rằng khi thế giới những người trưởng thành hãy còn đang quá bận rộn chống dịch, bình ổn cuộc sống mới thì giải pháp cải thiện sức khỏe tinh thần cho hàng triệu trẻ em mồ côi vì COVID-19 vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
600 tình nguyện viên "Gia sư áo xanh"
Hội đồng Đội TP.HCM cùng Hội Sinh viên TP.HCM đã triển khai đội hình "Gia sư áo xanh" hỗ trợ học tập và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Đã có 600 tình nguyện viên là các sinh viên khối ngành tâm lý, xã hội học, sư phạm... đăng ký tham gia. Hiện chương trình đang tập huấn cho các tình nguyện viên các kỹ năng cần thiết khi hỗ trợ thanh thiếu nhi đang cần được hỗ trợ về mặt học tập, ôn bài, tư vấn tâm lý...
Chị Trần Thu Hà, phó bí thư Thành đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM, cho biết chương trình sẽ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mất cha, mẹ, người thân trực tiếp nuôi dưỡng do dịch bệnh COVID-19 vừa qua, trước mắt trong năm học 2021-2022 này.
Trong học kỳ I sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập kiến thức, tư vấn tâm lý và các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần với hình thức trực tuyến. Trong học kỳ II: tổ chức giảng dạy, tư vấn tâm lý và các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần trực tiếp tại nhà học sinh kết hợp với trực tuyến (trong điều kiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt).
Bạn Huỳnh Huế Nhi Nhi, bí thư Đoàn khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), là tình nguyện viên chương trình, chia sẻ: "Các em đang đối diện những bất ổn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần mà không gì có thể bù đắp nổi. Các tình nguyện viên sẽ đồng hành cùng các em, hỗ trợ các em vượt qua khủng hoảng tâm lý, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Với những trường hợp thật sự bất ổn về tâm lý, chương trình sẽ kết nối với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý hỗ trợ các em.
KIM ANH
TTO - Ở nhà hàng tháng trời, liên tục ngồi trước màn hình máy tính, áp lực học tập, gia đình khiến nhiều bạn trẻ tìm đến đường dây nóng hỗ trợ tư vấn tâm lý, một số tìm cách trò chuyện với người thân, xem bộ phim ý nghĩa để giải tỏa căng thẳng.
Xem thêm: mth.31733248062011202-me-ohc-yl-mat-auhc/nv.ertiout