Hơn 10 giờ sáng một ngày cuối tháng 10, trời mưa tầm tã nhưng rất nhiều người dân đã có mặt tại trụ sở UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê) để nhận tiền vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Mọi người đều được hướng dẫn khai báo y tế, quét QR Code và tuân thủ 5K để đảm bảo phòng chống dịch.
Người dân quận Thanh Khê được đo thân nhiệt trước khi vào làm thủ tục nhận tiền để đảm bảo phòng, chống dịch. Ảnh: T.AN
Phấn khởi vì được vay vốn lãi suất thấp
Có mặt từ sớm, bà Lê Thị Phương (60 tuổi) cho hay, đây là lần thứ hai bà vay vốn từ NHCSXH. “Tui quét rác ở chợ, đợt trước vay 30 triệu đồng để mua máy quay nước mía về cho con tôi bán nhưng dịch miết nên đâu bán buôn được chi. Đợt này tui vay thêm 20 triệu đồng để mua thêm tủ bánh mì bán kiếm thu nhập thêm vào mỗi sáng. Dịch bệnh ai cũng khó khăn, tui còn sức khỏe nên làm được chi thì ráng làm”- bà Phương nói.
Ngồi gần đó, chị Lê Bùi Thị Thu cho biết chị mở quán bán mì Quảng từ vài năm nay, còn chồng là lao động tự do. Nếu không có dịch, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm cũng đủ sống. Ngặt nỗi, dịch bệnh kéo dài, quán phải đóng cửa mấy tháng liền nên cả gia đình mất thu nhập, tiền bạc dành dụm cũng chi tiêu hết. Sau khi TP cho mở lại các hoạt động, chị Thu quyết định vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, một phần để sửa sang quán ăn, mua thêm bàn ghế, chén đũa mới để buôn bán và kiếm thu nhập cho gia đình, cho con ăn học đến nơi đến chốn.
“Nhà tui ở khu trũng, hễ mưa to là nước tràn vô nên đồ đạc hư nhiều. Bây giờ khách rất kén, quán phải sạch sẽ, chỉn chu xíu thì người ta mới vô ăn. Tôi vay đủ sức trả thôi, không dám vay nhiều, may nhờ có NHCSXH cho vay lãi suất thấp chứ vay tín dụng đen thì lấy mô mà trả. Bán một ngày lời được vài trăm ngàn chứ mô nhiều”- chị Thu giãi bày.
Hàng ngàn người có nhu cầu vay vốn
Người dân đến nhận tiền vay vốn tại điểm giao dịch ở quận Liên Chiểu. Ảnh: T.AN
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ba (Giám đốc NHCSXH quận Thanh Khê) cho biết địa bàn chủ yếu là các hộ kinh doanh, sản xuất buôn bán nhỏ nên nhu cầu vay vốn sau dịch là rất lớn. “Đây là nhu cầu thiết thực của bà con. Chúng tôi đã phối hợp với địa phương rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh của từng người để kịp thời hỗ trợ vốn cho họ làm ăn, hạn chế vay tín dụng đen”- ông nói.
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng, từ nay đến cuối năm 2021 có khoảng hơn 2.400 hộ có nhu cầu vay vốn với hơn 177 tỉ đồng. Tính riêng từ ngày 1-10 đến nay, NHCSXH TP đã giải ngân khoảng 70 - 80 tỉ đồng cho khoảng 1.000 hộ.
Ông Đoàn Ngọc Chung (Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng) cho biết người dân ở Đà Nẵng chủ yếu kinh doanh các dịch vụ ăn uống, bán tạp hóa, quần áo, sửa chữa xe… nhỏ lẻ. Vì vậy, họ rất cần vốn để khôi phục sản xuất, duy trì việc làm, ổn định cuộc sống sau dịch.
“Chúng tôi tạo điều kiện hết sức có thể để bà con tiếp cận được chương trình này, mức vay trung bình từ 70 đến 100 triệu đồng. Đối tượng vay rất rộng, người dân còn sức lao động, có mục đích vay cụ thể để duy trì hoặc tự tạo việc làm, cư trú hợp pháp tại địa phương… thì sẽ được Tổ tiết kiệm và vay vốn xét duyệt cho vay vốn, không yêu cầu điều kiện rườm rà. Bà bán mì Quảng, bán nước mía đều có thể vay, còn vay mức bao nhiêu thì tùy thuộc vào mục đích, khả năng trả nợ… của từng người và sẽ được bình xét công khai” - ông Chung cho hay.
Theo ông Chung, từ nay đến cuối năm cần thêm khoảng 100 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. NHCSXH TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND TP đề nghị ủy thác thêm vốn bổ sung trong thời gian tới. Đồng thời có văn bản gửi trung ương đề nghị đối ứng nguồn vốn, tức là UBND TP ủy thác bao nhiêu thì NHCSXH sẽ bổ sung đối ứng vốn bấy nhiêu cho Đà Nẵng để hỗ trợ người dân vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.