Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10 giờ trưa nay, 26-10, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông.
Ở tọa độ này, tâm ATNĐ cách Khánh Hòa khoảng 270km, cách Ninh Thuận khoảng 250km. Cường độ ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm ATNĐ.
Áp thấp nhiệt đới gây mưa to từ đêm nay đến rạng sáng 27-10
Trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 22 giờ ngày 26-10, vị trí tâm ATNĐ trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Cường độ ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, ATNĐ đi sâu vào khu vực đất liền từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với tốc độ 10-15km/giờ và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Mô hình dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: VNDMS
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 10,5 đến 13,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Biển động mạnh.
Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Biển động.
Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Biển động mạnh. Từ chiều nay, trên khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày mai, 27-10.
Cụ thể, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 200mm. Từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên mưa to 150-250mm, có nơi trên 300mm. Mưa sẽ tập trung vào đêm 26 và rạng sáng 27-10.
Từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to đến 400mm do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.
Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, sạt lở, mất an toàn hồ chứa
Với tình hình mưa như trên, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo một số khu vực đã và đang còn ngập ở Quảng Nam (Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành) và Quảng Ngãi (Bình Sơn) sẽ tiếp tục có nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở.
Mưa lũ gây ngập lụt ở Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT
Đặc biệt, đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Đỉnh sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa), sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), sông La Ngà (Bình Thuận), thượng lưu sông Đồng Nai, các sông ở Nam Tây Nguyên lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, thượng lưu sông Đồng Nai, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Nguy cơ làm tràn các hồ chứa nhỏ đang thi công hoặc đã đầy nước khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó: Quảng Ngãi 112 hồ, Quảng Nam 36 hồ, Đà Nẵng 07 hồ, Thừa Thiên Huế 04 hồ. Khu vực Tây Nguyên có 87 hồ, trong đó: Kon Tum 70 hồ; Gia Lai 17 hồ.
Nguy cơ mất an toàn với một số mỏ khai thác khoảng sản như các mỏ khai thác titan ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú yên, Ninh Thuận, đặc biệt các mỏ khai thác Bauxit khu vực Đắc Nông và Bảo Lộc (Lâm Đồng).