Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 26-1. Đây là lần đầu tiên trong bốn năm người lãnh đạo cao nhất của Mỹ tham dự hội nghị của khối này.
Hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ quán Mỹ tại Brunei cho biết ông Biden sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ, một sự kiện trong hàng loạt hội nghị cấp cao do ASEAN chủ trì trong tuần này.
Mỹ đã không tham dự bất kỳ hội nghị ASEAN nào ở cấp cao nhất kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ tại Manila vào năm 2017.
Các nhà phân tích cho rằng việc ông Biden tham gia sự kiện lần này sẽ phản ánh nỗ lực của Mỹ trong việc tập hợp các đồng minh và đối tác nhằm đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ tập trung vào những vấn đề như phân phối vaccine ngừa COVID-19, biến đổi khí hậu, cũng như vấn đề về các chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 26-1. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Biden dự kiến sẽ bảo đảm với ASEAN rằng việc Mỹ thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong khuôn khổ "Bộ tứ" và thoả thuận về việc cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc không phải để thay thế vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
“Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên của ông Biden với các lãnh đạo ASEAN trên cương vị tổng thống, vì thế ông ấy muốn bảo đảm rằng Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với chính quyền Mỹ” - ông Murray Hiebert, nhà nghiên cứu cấp cao về khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định.
Ông Hiebert cho rằng các lãnh đạo ASEAN sẽ muốn nghe kế hoạch của Mỹ về việc tăng cường nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho khu vực này, cũng như cách Washington tham gia vào thương mại, đầu tư và hạ tầng ở Đông Nam Á.
Tuần trước, ông Edgard Kagan, giám đốc cấp cao về Đông Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington không coi "Bộ tứ" là “NATO phiên bản châu Á” và không định cạnh tranh với ASEAN.
Ông Kagan nhấn mạnh Washington luôn nhận được nhiều lợi ích khi làm việc với ASEAN để bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng, xử lý vấn đề khí hậu, và giải quyết “những thách thức chung trong vấn đề trên biển”.
Tổng thống Biden đến nay vẫn chưa thể hiện dấu hiệu nào về khả năng quay lại với khuôn khổ thương mại khu vực mà người tiền nhiệm Trump đã rút khỏi vào năm 2017, Reuters đưa tin.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên cho rằng việc thiếu yếu tố kinh tế trong sự tham gia của Mỹ vào khu vực đã tạo ra một khoảng trống lớn: “Mảnh ghép quan trọng nhất đối với khu vực là mảnh ghép kinh tế”.
Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ sẽ diễn ra mà không có sự tham gia của Thống tướng Min Aung Hlaing, người lãnh đạo cuộc chính biến ở Myanmar vào ngày 1-2, sau khi ông bị ngoại trưởng các nước ASEAN quyết định loại khỏi hội nghị lần này.
Lý do vì ông đã không thực hiện kế hoạch hòa bình mà chính quyền nước này ký với ASEAN, bao gồm việc chấm dứt thù địch, bắt đầu đối thoại, cho phép hỗ trợ nhân đạo và cho phép một đặc phái viên tiếp cận toàn diện nước này.