Theo hãng tin CNBC, Trung Quốc dù đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất vài năm trở lại đây nhưng nền kinh tế này hầu như chắc chắn sẽ không mua than của Australia, vốn là đối tác nhập hàng chính trước đây.
Kể từ cuối năm 2020, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than của Australia cũng như cấm thông quan với hàng loạt chuyến hàng từ xứ sở chuột túi sau khi quốc gia này ủng hộ việc điều tra dịch Covid-19 tại đây. Căng thẳng thương mại bắt đầu leo thang và dù Trung Quốc đang lâm vào cảnh thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện, họ cũng từ chối nới lỏng thông quan.
Xin được nhắc là Australia vốn là nước cung ứng than chủ chốt cho Trung Quốc. Cũng tương tự như việc bán dầu mỏ, khí đốt hay các loại tài nguyên khác, Australia chiếm tới 39% than nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2019.
Nỗi đau bán tài nguyên
Trung Quốc là nước phụ thuộc khá lớn vào than làm năng lượng. Do có ít mỏ dầu nhưng lại có nguồn than dồi dào, Trung Quốc đã phát triển cơ sở hạ tầng cũng như an ninh năng lượng chủ yếu từ than. Bởi vậy khi thiếu than từ giữa tháng 8/2021, ít nhất 20 tỉnh thành tại quốc gia này đã phải cắt điện.
Mặc dù nguyên nhân còn đến từ chiến lược giảm khí thải nhà kính cũng như đức gãy chuỗi cung ứng, nhưng việc xung đột thương mại và ngừng nhập khẩu than từ Australia mới là yếu tố chủ chốt khiến cuộc khủng hoảng than tại Trung Quốc trở nên trầm trọng.
Bất chấp điều đó, chuyên gia Rory Simington của Wood Mackenzie cho rằng Bắc Kinh sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia. Thay vào đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tự tăng sản lượng khai thác của mình dù chúng có đi ngược lại chính sách giảm khí thải nhà kính.
"Đây là vấn đề liên quan đến địa chính trị chứ không phải thương mại và chưa có dấu hiệu nào cho thấy lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ", chuyên gia Simington nhấn mạnh.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cần rất nhiều than. Nguồn ảnh: CNBC
Đồng quan điểm, chuyên gia Abhinav Gupta của Braemar cho biết Trung Quốc hiện đang nhập khẩu than từ nhiều nguồn khác như Indonesia, đẩy sản lượng tại đây lên mức đỉnh.
"Trung Quốc cũng nhập khẩu thêm than từ Mông Cổ và Nga để đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi cũng thấy Trung Quốc tăng cường nhập khẩu than từ những nước như Mỹ hay Colombia", chuyên gia Gupta nói.
Trong khi nền kinh tế Australia hưởng lợi lớn từ bán tài nguyên cho Trung Quốc thì nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lại chẳng cần đến xứ sở chuột túi để giải quyết khủng hoảng.
Chuyên gia Dhar của CBA cho biết bất chấp lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia, lượng than thông quan vào Trung Quốc vẫn ở mức khá cao từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khoảng tháng 1-8/2021, Indonesia chiếm đến 57% sản lượng than nhập khẩu của Trung Quốc.
Thoát nạn nhờ Covid-19?
Dù đang căng thẳng thương mại với Trung Quốc nhưng may mắn cho Australia là giá nguyên liệu, hàng hóa trên toàn cầu lại đi lên hậu dịch Covid-19 do cầu tăng và mùa đông sắp đến. Giá than tại cảng Newcastle Port của Australia, vốn được coi là mức chuẩn của thị trường Châu Á đã tăng từ đầu năm đến nay bất chấp ảnh hưởng từ Trung Quốc.
"Yếu tố chính khiến giá than tăng là nhu cầu tăng mạnh ở Bắc Mỹ khi mùa đông đến", chuyên gia Dhar nhận định.
Nguồn ảnh: CNBC
Hãng tin Reuters cho hay thặng dư thương mại của Australia đã lên mức kỷ lục trong tháng 8/2021 nhờ cơn khát tài nguyên của thế giới hậu đại dịch và trong bối cảnh mùa đông sắp đến. Số liệu của Tổng cục thống kê Australia cho thấy thặng dư thương mại của nước này đạt 11 tỷ USD trong tháng 8/2021, mức cao kỷ lục.
Mặc dù vậy, Australia vẫn chẳng thể vui mừng khi đối tác thương mại chính của họ không chịu dỡ bỏ lệnh cấm. Phía Australia mới đây đã đệ đơn kiện lên Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) về động thái này của Trung Quốc.
*Nguồn: CNBC
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị