TPHCM - Mới đây, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM vừa trình UBND TPHCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Theo đó, các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ muốn hoạt động phải đáp ứng 6 tiêu chí, cụ thể trong đó có tiêu chí cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Trước đề xuất này, nhiều chủ nhà hàng kinh doanh không khỏi lo lắng.
Bà Thu Hường, chủ nhà hàng trên đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp cho biết, đã nắm được thông tin về việc nhà hàng, quán ăn sắp được phục vụ tại chỗ và cũng khá bất ngờ với bộ tiêu chí mà Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đưa ra.
Theo bà Hường thì với tiêu chí quán ăn, nhà hàng được mở cửa phục vụ tại chỗ mà không bán bia, rượu thì việc kinh doanh của bà gặp nhiều khó khăn.
“Quán tôi chủ yếu là phục vụ khách nhậu. Thời điểm trước khi có dịch, mỗi ngày đón cả trăm khách hàng. Từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và sau đó khi thành phố yêu cầu nhà hàng tạm dừng kinh doanh để chống dịch thì tôi chấp hành rất nghiêm chỉnh, tạm dừng hẳn việc buôn bán ở nhà hàng, đến nay dù thành phố cho phép mở bán mang đi nhưng nhà hàng của tôi vẫn chưa thể mở cửa vì vấn đề đặc thù kinh doanh của nhà hàng”, bà Hường nói.
Bà Hường nêu quan điểm, đối với quán ăn sáng thì khách ăn xong đi làm luôn nhưng quán tôi phục vụ chủ yếu là bia, rượu. Như vậy, nếu quán tôi mở cửa mà không bán bia, rượu thì sợ khách đến cửa là bỏ về luôn.
Tương tự, chị Nguyễn Hồng, chủ nhà hàng kinh doanh dịch vụ cà phê và ăn uống trên đường Lê Hoàng Phái, quận Gò Vấp cho rằng, đối với việc không bật máy lạnh trong không gian kín thì dễ đáp ứng, còn việc không bán bia rượu thì sẽ làm giảm lượng khách đến nhà hàng.
Anh Phạm Minh Hiền, chủ nhà hàng Bếp Hiền trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp cho biết, với bộ tiêu chí trên thì quán của anh cơ bản đáp ứng được và rất mong chờ ngày thành phố cho phép nhà hàng được phục vụ tại chỗ.
Anh Hiền cho biết, hiện quán của anh đang hoạt động theo hình thức bán mang về, doanh thu giảm rất nhiều, chỉ bằng khoảng 40% so với thời điểm trước dịch.
“Dù được chủ nhà giảm 30% tiền thuê mặt bằng/tháng trong mấy tháng qua nhưng hiện mỗi tháng tôi đang phải bù vào khoảng 30-40 triệu đồng để duy trì hoạt động của quán. Dịch bệnh bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến mỗi nhà hàng của tôi mà ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế của thành phố.
Nhà hàng của tôi có đăng ký bán bia, rượu nhưng khách hàng của quán ít khi sử dụng bia rượu nên với tiêu chí trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh. Nhưng đối với các nhà hàng khác, chuyên phục vụ khách nhậu thì tiêu chí này sẽ ảnh hưởng phần nào việc kinh doanh của họ. Đối với tiêu chí này, tôi nghĩ thành phố nên nghiên cứu thêm để chúng ta vừa có thể chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, anh Hiền chia sẻ.
Trước đó, bên lề kỳ họp kỳ họp thứ hai vào ngày 22.10, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến tuần tới, thành phố cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ ở một số khu vực kiểm soát được dịch.
Sau thông tin trên, các nhà hàng, quán ăn ở TPHCM đã bắt đầu cho nhân viên dọn dẹp lại các vật dụng, sắp xếp bàn ghế để chờ chính quyền TPHCM chính thức cho phép.
Ngày 25.10, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM, trả lời báo chí về thời gian cho phép hàng quán được bán tại chỗ trở lại, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho hay, hiện tại, UBND thành phố đang xem xét cùng với các sở, ngành để cân nhắc mở lại. Theo đó, các vấn đề cần xem xét như phục vụ như thế nào, cách làm ra sao, cách thức đánh giá. “Việc này còn nhiều vấn đề cần trao đổi, sẽ cung cấp thông tin sớm nhất”, ông Tú thông tin.
Ghi nhận của Lao Động, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng hơn 60% nhà hàng, quán ăn mở cửa hoạt động bán mang về, không phục vụ tại chỗ.
Xem thêm: odl.975769-ig-ion-gnah-ahn-uhc-uour-aib-nab-gnohk-gnuhn-ohc-iat-nab-om-nauq-gnah/et-hnik/nv.gnodoal