Thí điểm ở sáu tỉnh, thành
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 78/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 123/2020 của Chính phủ liên quan đến hóa đơn (HĐ) điện tử (ĐT). Theo đó, HĐĐT sẽ được áp dụng thí điểm ở sáu tỉnh, thành phố gồm TPHCM, TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng, tỉnh Phú Thọ, Bình Định, Quảng Ninh từ đầu tháng 11/2021 và sẽ chính thức bắt buộc áp dụng trên cả nước từ ngày 1/7/2022 thay cho HĐ giấy.
Theo thông tư này, HĐĐT được áp dụng cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn cá nhân kinh doanh (không bao gồm hộ kinh doanh đóng thuế khoán). HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế, được gửi đồng thời đến Tổng cục Thuế và cả khách hàng thay vì chỉ gửi đến khách hàng như trước.
Được biết, ở sáu tỉnh, thành phố thí điểm HĐĐT lần này, hầu hết DN đã sử dụng HĐĐT theo Thông tư 32/2011; trong đó, khoảng 90% DN ở TP.Hà Nội sử dụng HĐĐT. Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến ngày 30/9/2020, có 126.516 DN (tương đương 62,21%) có sử dụng HĐĐT. Theo Tổng cục Thuế, cả nước đang có hơn 550.000 DN áp dụng HĐĐT nhưng chỉ có 225 DN thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.
Để áp dụng hóa đơn điện tử hiệu quả, chống thất thu thuế, cần có biện pháp khuyến khích người mua yêu cầu lấy hóa đơn với mọi đơn hàng - Ảnh: Thanh Vân |
Việc sử dụng HĐĐT giúp DN giảm chi phí so với HĐ giấy, giảm thủ tục hành chính, khắc phục rủi ro mất HĐ, tạo sự yên tâm cho người mua hàng; cơ quan thuế cũng đỡ tốn thời gian đối chiếu, đồng thời ngăn chặn kịp thời HĐ của các DN bỏ trốn, mất tích, ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận, trốn thuế.
Đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, ngành thuế TPHCM đang áp dụng HĐĐT theo lộ trình, với từng đối tượng: Từ đầu tháng 11/2021, sẽ áp dụng với một số DN có sẵn cơ sở hạ tầng, đã sử dụng HĐĐT trước đó. Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc triển khai HĐĐT được thông suốt, giúp người nộp thuế hạn chế những sai sót trong quá trình sử dụng HĐĐT, Cục Thuế TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ, công chức thuế.
Cần khuyến khích bên mua, hỗ trợ bên bán
Theo các chuyên gia, HĐĐT không phải là biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trốn thuế. Luật sư Trần Xoa - chuyên gia thuế - cho rằng, nếu áp dụng HĐĐT mà các điểm kinh doanh không nhập dữ liệu vào hệ thống bán hàng, không kiểm soát được giao dịch thì vẫn gây thất thu thuế. Để chống trốn thuế hiệu quả, người kinh doanh phải lập HĐ khi bán hàng. Để người bán hàng tự giác lập HĐ, người mua hàng phải yêu cầu lấy HĐ hoặc chủ động báo cho cơ quan thuế các trường hợp không chịu lập HĐ. Tuy nhiên sẽ rất khó kêu gọi người mua hàng lấy HĐ mà cần có biện pháp khuyến khích họ lấy HĐ, nghĩa là việc lấy HĐ phải mang lại lợi ích gì đó cho họ.
Theo thông tư mới, nếu hộ hoặc cá nhân kinh doanh sử dụng máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, HĐ có mã của cơ quan thuế thì người mua hàng sẽ được dự thưởng, nhưng hình thức dự thưởng và phần thưởng vẫn còn mơ hồ. Theo luật sư Trần Xoa, nếu khuyến khích cả trăm triệu dân dự thưởng nhưng chỉ một người trúng giải thì sẽ không tạo được sự thu hút. Do đó, nếu quy định tổng HĐ trị giá 4 triệu đồng được đổi một lít xăng (áp dụng trong 2-3 năm đầu) chẳng hạn sẽ kích thích người mua hàng lấy HĐ với cả những món hàng mình mua dù có giá trị nhỏ. Như vậy, bên kinh doanh buộc phải cung cấp HĐ cho khách hàng, ngành thuế sẽ thu đủ thuế và có thể chiết khấu để trả thưởng cho người mua hàng.
Ông Trần Xoa cũng cho rằng, sáu tỉnh, thành đang áp dụng thí điểm HĐĐT có số lượng DN khá lớn. Chỉ riêng TP.HCM đã có khoảng 250.000 DN (chưa tính cá nhân kinh doanh). Như vậy, lượng HĐ được gửi về Tổng cục Thuế là rất lớn; nếu không có ổ chứa dữ liệu và đường truyền mạnh thì rất khó vận hành thông suốt. Đường truyền mạng hay hệ thống liên kết với Tổng cục Thuế nếu bị lỗi sẽ gây khó khăn trong việc xuất HĐ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Luật sư Trần Xoa nhận xét: “Nghị định 123/2020 và Thông tư 78/2021 có nhiều quy định rối hơn so với các quy định cũ. Trước đây, nếu HĐ có thông tin sai sót, người bán hàng có thể tự chỉnh sửa rồi gửi cho người mua. Còn sắp tới, với HĐĐT có mã số thuế của cơ quan thuế, người lập HĐ phải gửi lên Tổng cục Thuế xin mã; nếu HĐ đã gửi cho khách hoặc cơ quan thuế bị sai, người lập HĐ phải gửi thông báo đến Tổng cục Thuế xin hủy và chỉ được hủy khi có sự đồng ý. Sau đó, người bán phải lập HĐ mới với thủ tục như cũ, gây khó khăn cho nhiều bên. Quy trình này phụ thuộc hoàn toàn vào cách xử lý của cơ quan thuế, rất bất tiện”.
Còn theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM - quy định HĐĐT có mã của cơ quan thuế, phải nhập và thanh toán bằng máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế sẽ gia tăng chi phí lắp đặt, vận hành, kể cả chi phí nhân lực có trình độ chuyên môn nhất định. Những gánh nặng này có thể khiến người kinh doanh né HĐĐT. Do đó, cần tạo thuận lợi khi áp dụng HĐĐT, như hỗ trợ sử dụng phần mềm miễn phí một thời gian cho người kinh doanh.
Thanh Hoa