Theo hãng tin CNBC, giá dầu thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong vài năm qua do nguồn cung bị giới hạn dù nhu cầu tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa hậu dịch Covid-19 và mùa đông cũng sắp đến.
Giá dầu Brent quốc tế trong phiên 25/10 đã tăng 46 cent lên mức 85,99 USD/thùng, trong khi giá dầu trên thị trường kỳ hạn đạt 86,7 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) hiện giữ ở mức 83,76 USD/thùng sau khi đã lên đến 85,41 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Cả hai chỉ số đo lường giá dầu thế giới này đã tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 9/2021. Giá dầu Mỹ đã tăng 9 tuần liên tiếp trong khi dầu Brent tăng 7 tuần.
Giá dầu thô Brent thế giới trên thị trường kỳ hạn 5 năm qua (USD/thùng)
Lỗi tại vaccine?
Hãng tin CNBC nhận định việc vaccine ngày càng được phủ sóng khiến các nền kinh tế mở cửa trở lại, qua đó đẩy nhu cầu dầu mỏ lên cao và làm tăng giá.
Chuyên gia phân tích Louise Dickson của hãng Rystad Energy nhận định sự hồi phục nhu cầu từ nền kinh tế hậu dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường trong bối cảnh các nhà khai thác chính như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hay Nga không chịu tăng sản lượng.
Đồng quan điểm, Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent có thể vượt ngưỡng 90 USD/thùng vào cuối năm nay và có thể cao hơn nữa nếu tình hình mất cân bằng cung cầu này vẫn còn tiếp diễn.
Vào năm 2020, OPEC và Nga đã cắt giảm sản lượng khi giá dầu đi xuống nhưng cho đến thời điểm hiện tại, các nước sản xuất chính này vẫn khá chậm trong việc tăng sản lượng trở lại.
Mặc dù nhiều quốc gia đã kêu gọi OPEC và Nga tăng nhanh sản lượng bởi việc giá dầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hồi phục kinh tế hậu dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng lại có lợi cho những nước xuất khẩu dầu mỏ, nhất là Nga khi quốc gia này đang trong bối cảnh bị các lệnh cấm vận của Phương Tây.
Bên cạnh đó, Reuters cho rằng việc thiếu than đá và khí đốt tại Trung Quốc cũng kích thích thị trường dầu mỏ khi nhiều người lo ngại các nhà máy sẽ chuyển sang chạy xăng dầu. Mặc dù một số nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ đang khẩn trương tăng sản lượng cũng như nhập khẩu nhưng chúng không làm giảm được sự lo lắng của các nhà đầu tư.
"Nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng cao thì có nhiều nhưng một trong số chúng là khả năng chuyển từ than đá hay khí đốt sang dầu mỏ để chạy điện", giám đốc Bob Yawger của Mizuho nhận định.
Một yếu tố nữa góp phần khiến giá dầu thô tăng là đà đi lên của đồng USD. Do thị trường xăng dầu quốc tế giao dịch chủ yếu bằng đồng USD nên khi đồng tiền này tăng giá, giá dầu cũng đi lên theo. Việc nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất hậu dịch Covid-19 đã thúc đẩy làn sóng mua vào đồng USD.
Cuộc khủng hoảng mới
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tăng mạnh đang tác động mạnh đến toàn thị trường. Vào tháng 4/2020, giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới 0 USD/thùng trên thị trường kỳ hạn vì dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị đình trệ.
Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã tăng đến 58% và nếu tính trong vòng 1 năm qua, giá dầu thô Mỹ đã tăng 5 lần từ 16 USD/thùng phiên 22/4/2020 lên quanh mốc 80 USD/thùng hiện nay.
Việc giá xăng dầu tăng sẽ thúc đẩy lạm phát khi nguồn năng lượng này liên quan đến hầu như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của xã hội. Nền kinh tế sẽ cần nhiều ngoại tệ để mua dầu mỏ hơn bởi thị trường này phần lớn giao dịch bằng đồng USD, qua đó làm mất giá đồng nội tệ.
Theo tờ Nikkei Asian Review, nhiều đồng tiền Châu Á đã mất giá trong thời gian qua khi nhà đầu tư chuyển qua nắm giữ đồng USD cũng như việc chính phủ phải tốn thêm ngoại tệ mua dầu. Giá đồng Yên đã giảm khoảng 3% so với đồng USD trong 9 tháng vừa qua và có thời điểm đã chạm mức thấp nhất 1 năm qua.
Tương tự, đồng Won của Hàn Quốc đã giảm 8% kể từ đầu năm tới nay còn đồng Baht của Thái Lan giảm hơn 10%.
Đồng tiền mất giá cùng sự gián đoạn của hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu năng lượng sẽ khiến tỷ lệ lạm phát bùng nổ. Chính vì điều này mà hàng loạt ngân hàng bao gồm cả FED đang phải chú ý theo dõi nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ bất cứ lúc nào.
Điển hình nhất là Ngân hàng trung ương Singapore mới đây đã bất ngờ siết chặt chính sách tiền tệ trong tháng 10/2021. Đây là lần đầu tiền trong 3 năm qua Singapore phải thực hiện siết chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, cả Hàn Quốc và New Zealand cũng có dấu hiệu sẽ có động thái tương tự trước nguy cơ bùng nổ lạm phát khi mở cửa nền kinh tế trở lại hậu dịch Covid-19.
Siêu lạm phát tại Venezuela. Nguồn: The Guardian
Không dừng lại ở đó, giá dầu thô tăng sẽ khiến chi phi vận tải, sản xuất cùng nhiều sản phẩm, dịch vụ khác đi lên và làm thâm hụt tài khoản vãng lai (giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vượt quá giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu), qua đó khiến nền kinh tế lâm vào khó khăn.
Thậm chí ngay cả thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng bởi giá dầu bởi chúng có liên quan mật thiết đến nền kinh tế cũng như sự hồi phục của các nước sau đại dịch.
"Chúng ta có khả năng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách trong nhiều năm tới cũng như rủi ro siêu lạm phát", giám đốc Damien Courvalin của Goldman Sachs cảnh báo.
Mặc dù vậy, hãng tin CNBC cho rằng vẫn còn yếu tố các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ bởi giá dầu tăng có thể kích thích các mỏ khai thác hoạt động trở lại, qua đó giảm nhiệt thị trường dầu mỏ.
*Nguồn: CNBC, Reuters...
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.26862525162011202-oac-gnat-cut-neil-ioig-eht-uad-gnax-aig-oas-iv/nv.zibefac