Theo công văn của Văn phòng Chính phủ, đầu tháng 10, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (Nguyên phó viện trưởng Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính) đã có thư gửi Thủ tướng đánh giá việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định, không phù hợp với thể chế giá thị trường, đi ngược với xu thế của hàng không thế giới, có thể gây hệ lụy cho việc phục hồi kinh tế và ngành du lịch. TS. Ngô Trí Long đã kiến nghị Chính phủ dừng chủ trương áp giá sàn.
Do đó, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét, làm rõ các nội dung trên và trả lời kiến nghị của ông Ngô Trí Long.
Cuối tháng 8, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Cục Hàng không đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định, thời gian áp dụng là 12 tháng, từ 1/11 năm nay đến hết ngày 31/10 năm sau.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng một vé mỗi chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng một vé mỗi chiều; nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Các hãng bay gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways nhất trí áp giá sàn, trong khi đó Vietjet Air phản đối quy định này.