Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2004-2020, ngành nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trung bình 33,54% GDP lĩnh vực nông nghiệp cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp đạt 4,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%). ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra, trái cây… Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của các tỉnh, thành trong vùng vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Vùng đang dần mất những lợi thế phát triển, quá trình phát triển đang chậm lại so với nhiều vùng khác, lĩnh vực nông nghiệp vốn có lợi thế nhưng chưa phát huy hết tiềm năng…
Lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng kiến nghị trung ương chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương triển khai các giải pháp giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị lúa gạo, thủy sản và trái cây để người dân nâng cao thu nhập và đời sống từ các mặt hàng chủ lực này. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi giá trị để hình thành các vùng sản xuất lớn, xây dựng hạ tầng logistics, quan tâm phát triển các ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Cùng ngày, tại buổi đối thoại với các "vua nông sản" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gợi ý các doanh nghiệp cần có tư duy khác để tạo ra đa giá trị cho sản phẩm nông nghiệp trước thực tế giá đầu vào của nhiều ngành như chăn nuôi, trồng trọt đang tăng nhưng giá bán thành phẩm theo thị trường lại đang thấp. Vấn đề này cũng bộc lộ điểm yếu của Việt Nam khi tự hào là nước nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu nguyên vật liệu quá nhiều. Khi thế giới bị tác động Covid-19 làm chuỗi cung ứng đứt gãy tạo ra cú sốc tăng giá nhiều mặt hàng cũng là lúc để Việt Nam nhìn nhận xem mặt hàng nào Việt Nam có thể chủ động sản xuất để thay thế, mặt hàng nào không có lợi thế phải chấp nhận nhập khẩu.
"Tư lệnh" ngành nông nghiệp dẫn chứng trường hợp Trung Quốc trước đây phải nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp rất nhiều, nay đã từng bước thay thế từ phân thuốc, thức ăn chăn nuôi, áp dụng kinh tế tuần hoàn, không có chất thải. "Như mặt hàng cà phê, chúng ta bỏ vỏ, dùng hạt ép lấy nước cà phê, phần hữu dụng chỉ chiếm có 0,2%, còn lại bỏ đi. Trong khi đó, Trung Quốc dùng bã cà phê để làm giá thể trồng nấm mỗi năm xuất khẩu được 17 tỉ USD, giá thể này sau đó còn dùng làm thức ăn chăn nuôi" - bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.
Xem thêm: mth.44694130262011202-irt-aig-iouhc-oeht-tek-neil-nac-lcsbd/et-hnik/nv.moc.dln