Khi đại dịch Covid-19 dịu đi và các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu phục hồi, nhu cầu về năng lượng, lao động và vận tải đã tăng lên. Sự tăng tốc đột ngột đó đang gây ra một áp lực rất lớn lên các chuỗi cung ứng xuyên biên giới vốn đang trong tình trạng tắc nghẽn.
Trong số các tuyến đường vận chuyển gặp nhiều căng thẳng nhất là tuyến từ châu Á đến châu Âu, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng bất thường.
Những điều kiện bất lợi do hoàn cảnh khách quan mang lại như vậy đã khiến dòng chảy hàng hóa từ các nước châu Á tới thị trường châu Âu giàu tiềm năng gặp trở ngại.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần, vì Liên minh châu Âu (EU) lâu nay vẫn nổi tiếng là một thị trường cực kỳ khó tính. Nhiều quy định ngặt nghèo đã được đặt ra đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước châu Á như sắt, thép, thủy hải sản…
Để thành công và làm ăn bền vững ở thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hiểu hơn các rào cản như vậy và nỗ lực hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Phòng vệ thương mại đối với thép
Thách thức đầu tiên có thể kể đến là động thái gia hạn biện pháp phòng vệ đối với thép nhập khẩu của Ủy ban châu Âu (EC).
Tháng 6 vừa qua, EC, cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU, đã quyết định gia hạn biện pháp phòng vệ đối với thép nhập khẩu, bắt đầu áp dụng từ năm 2018, thêm 3 năm nữa để bảo vệ các nhà sản xuất thép của EU khỏi sự gia tăng đột biến tiềm tàng của thép nhập khẩu.
Việc Chính phủ Mỹ giữ nguyên mức thuế 25% đối với thép đã đóng cửa thị trường Mỹ đối với nhiều nhà xuất khẩu, buộc EC phải đưa ra biện pháp phòng vệ đối với 26 loại thép, trong đó có thép xuất xứ Việt Nam, với hạn ngạch nhập khẩu vượt ngưỡng phải chịu thuế.
Quyết định được đưa ra dựa trên cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 2/2021, theo yêu cầu từ 12 quốc gia thành viên EU, bao gồm Pháp, Đức và Ý, để đánh giá xem liệu có nên gia hạn biện pháp phòng vệ thép sau thời hạn 30/6/2021 hay không.
EC sẽ giám sát chặt chẽ việc gia hạn và sẽ xem xét để đảm bảo rằng nó vẫn được giới hạn ở mức tối thiểu nghiêm ngặt, được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của thị trường và phù hợp với lợi ích chung của EU. Điều này sẽ cho phép EC thay đổi hoạt động của biện pháp phòng vệ khi cần thiết.
Việc EU gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm 3 năm được cho là sẽ đảm bảo một mức độ chắc chắn cho các nhà sản xuất thép EU, cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi với nguồn cung cấp thép của nước thứ ba cho người dùng và giúp ngăn chặn sự gia tăng đột biến của thép nhập khẩu vào thị trường EU thời kỳ hậu Covid-19.
“Chúng tôi hoan nghênh quyết định gia hạn biện pháp phòng vệ thép của EU”, Axel Eggert, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER), cho biết. “Các điều kiện từ khi biện pháp phòng vệ bắt đầu được áp dụng vẫn còn hiển hiện - bao gồm cả tình trạng dư thừa thép toàn cầu và Mục 232 của Mỹ”.
Về nguyên tắc, biện pháp phòng vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu sẽ được kéo dài thêm 3 năm, bắt đầu từ ngày 1/7/2021 và kết thúc vào ngày 30/6/2024. Theo quy định của WTO, hạn ngạch nhập khẩu thép miễn thuế cũng sẽ được tăng 3% hàng năm.
"Mức thuế của Mỹ đối với các sản phẩm thép đang gây ra sự chệch hướng thương mại, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất thép của EU và người lao động trong ngành này,” Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại của EU, cho biết. “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các biện pháp tự vệ tạm thời để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa trước sự gia tăng nhập khẩu”.
Biện pháp phòng vệ này được áp dụng đối với tất cả các nước, ngoại trừ một số nước đang phát triển có xuất khẩu thép hạn chế sang EU.
“Tuy nhiên, các biện pháp này đảm bảo rằng thị trường EU vẫn mở và sẽ duy trì các dòng chảy thương mại truyền thống,” Malmström cho biết. “Tôi tin rằng chúng đang tạo ra sự cân bằng phù hợp giữa lợi ích của các nhà sản xuất EU và người sử dụng thép, như ngành công nghiệp ô tô và ngành xây dựng, những ngành phụ thuộc vào nhập khẩu".
Biện pháp phòng vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) phản ánh các luồng thương mại truyền thống từ các nước thứ ba, trong đó mức thuế ngoài hạn ngạch là 25%. EC đã xem xét hoạt động của biện pháp này 2 lần, vào tháng 10/2019 và tháng 7/2020.
Biện pháp phòng vệ cũng có thể được xem xét lại hàng năm sau năm đầu tiên.
“Việc gia hạn này tạo cơ hội dồi dào cho người dùng châu Âu tìm nguồn nguyên liệu mà họ cần từ nước ngoài, vì mức hạn ngạch miễn thuế hiện vẫn cao hơn ít nhất 15% so với mức nhập khẩu kỷ lục mà hạn ngạch thuế quan phòng vệ được thiết lập trong những năm 2015- 2017”, Eggert cho biết thêm. “Biện pháp này chủ yếu cung cấp một mạng lưới an toàn trong trường hợp nhập khẩu tăng mạnh”.
Biện pháp phòng vệ đối với thép của EU không phải là biện pháp bình ổn giá trên thị trường nội địa và không hạn chế nguồn cung thông thường vào thị trường. Những đơn vị sử dụng thép ở các ngành công nghiệp hạ nguồn châu Âu vẫn có thể tiếp cận tất cả các loại thép của nước thứ ba mà họ cần dựa trên các luồng thương mại truyền thống.
Gỡ được “thẻ vàng” mới rộng đường xuất khẩu
Đối với châu Á nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng, EU là thị trường nhập khẩu hải sản quan trọng với lợi nhuận cao. Nhưng tiềm năng luôn đi kèm với những rào cản. Mặc dù thủy sản nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á chiếm thị phần thấp ở EU, nhưng các nước trong khu vực này đã gặp phải nhiều cảnh báo.
EC đã nhiều lần “tuýt còi” các nước Đông Nam Á liên quan đến IUU, bao gồm cảnh cáo “thẻ vàng” và “thẻ đỏ”, chấm dứt nhập khẩu hải sản.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, quan hệ thương mại ASEAN - EU đang gặp khó khăn. Căng thẳng thương mại giữa EU và mốt số nước trong khối, cũng như các lệnh trừng phạt "thẻ vàng" đối với Thái Lan, Việt Nam và Philippines và "thẻ đỏ" đối với Campuchia liên quan đến IUU, đã phủ bóng quan hệ thương mại ASEAN-EU.
Tuy nhiên, các nước cũng đã hết sức nỗ lực để tháo gỡ khó khăn.
Quy định số 1005/2008 của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EC), có hiệu lực từ ngày 1/10/2010, nhằm thiết lập một hệ thống để ngăn chặn và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Theo Quy định về IUU, các quốc gia không thuộc EU được xác định là có các biện pháp không phù hợp để ngăn chặn IUU có thể bị cảnh báo chính thức (thẻ vàng). Nếu các nước đã bị “thẻ vàng” không làm gì để cải thiện tình hình, họ sẽ bị (thẻ đỏ) và hậu quả là có thể sẽ không được phép xuất khẩu hải sản vào EU nữa.
Vào tháng 6/2014, EU đã ra "thẻ vàng" cảnh báo đối với Philippines vì nước này tiếp tục không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy 2 năm kể từ khi bị cảnh báo "thẻ vàng", Philippines đã xây dựng luật thủy sản mới, cải thiện hệ thống kiểm tra và nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khi một quốc gia thành công trong việc gỡ bỏ "thẻ vàng" của EU, không có nghĩa là mọi sự đã ổn.
Những cải cách này phải được thực hiện trong những năm tiếp theo để đạt được nhiều tiến bộ hơn và quốc gia này phải cam kết cải thiện hơn nữa hệ thống quản lý và kiểm soát nghề cá của mình. Nếu họ không tuân thủ cam kết, họ có thể sẽ lại bị “tuýt còi”.
Kể từ khi bị cảnh báo "thẻ vàng", Philippines đã củng cố cam kết chống khai thác IUU ở cấp quốc tế, phê chuẩn Thỏa thuận Liên Hợp Quốc về Trữ lượng cá (UNFSA) và bắt đầu các thủ tục để phê chuẩn Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
Ngoài ra, họ đã tiến hành cải cách sâu rộng khuôn khổ pháp lý của mình, ban hành luật pháp trong nước để thực hiện các biện pháp quản lý và bảo tồn của Các tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMOs), và đưa ra các biện pháp mới nhắm tới mục tiêu hoạt động của đội tàu đường dài, bao gồm cả một chương trình xử phạt mạnh mẽ hơn với các vi phạm liên quan tới IUU;
Philippines đã thông qua các quy tắc truy xuất nguồn gốc mới để đảm bảo kiểm soát các sản phẩm cá dọc theo chuỗi cung ứng.
Một trung tâm giám sát nghề cá toàn diện cũng đã được thành lập ở Manila, thủ đô Philippines.
Quốc đảo này cũng thiết lập một hệ thống cấp phép điện tử và tăng cường nguồn nhân lực, kỹ thuật và tài chính sẵn có để quản lý nghề cá, cộng với việc tăng ngân sách cho cơ quan phụ trách nghề cá.
Bên cạnh đó, Philippines cũng đã cải thiện hợp tác với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống khai thác IUU, chia sẻ thông tin về cập cảng và trung chuyển, và phối hợp các thực hành nhằm cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và các thủ tục chứng nhận khai thác.
Kết quả của tất cả những hành động này, Philippines đã được gỡ “thẻ vàng” vào tháng 4/2015.
Ngoài Philippines, Hàn Quốc cũng đã thành công trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” trong vòng chưa đầy 2 năm kể từ khi bị EU cảnh cáo hồi tháng 11/2013.
Hàn Quốc hiện có đầy đủ các phương tiện để ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt IUU một cách chủ động, bịt các lỗ hổng đã được xác định trong hệ thống luật thủy sản của mình.
“Từ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn rút ra từ thực tế, tôi muốn khuyên họ (các quốc gia bị “thẻ vàng”- PV) cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và hành động quyết liệt để ngăn chặn các hành vi đánh bắt IUU. Ý chí sẵn sàng chính trị là yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này”, Kim Young-Suk, cựu Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp, thực phẩm và các vấn đề nông thôn của Hàn Quốc, cho biết.
Với các hành động tích cực và nỗ lực không ngừng, quốc gia này đã được tháo gỡ “thẻ vàng” vào tháng 4/2015.
Rào cản đến từ chính sách khí hậu
Bên cạnh các công cụ quen thuộc kể trên, trong bối cảnh thế giới cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu, EU đã đưa ra dự thảo về cơ chế đánh thuế hàm lượng carbon đối với hàng nhập khẩu. Đó là Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM).
CBAM là một công cụ chính sách mới của EU được thiết kế để đạt được các mục tiêu về khí hậu với sự hỗ trợ của các biện pháp thương mại quốc tế.
Dự thảo quy định của EU về việc thành lập CBAM đã chính thức được công bố hôm 14/7 vừa qua.
Dự thảo này đề xuất mức giá carbon phải trả cho một số hàng hóa nhập khẩu vào EU với mục đích là ngăn chặn “rò rỉ carbon”.
“Rò rỉ carbon” được cho là diễn ra khi việc kiểm soát ô nhiễm ở EU khiến các nhà sản xuất của khối này chuyển đến châu Á, hoặc nơi nào đó bên ngoài EU - nơi các tiêu chuẩn môi trường được nới lỏng hơn và thiếu vắng các chính sách khí hậu cứng rắn.
Mỗi chứng chỉ CBAM sẽ được thể hiện bằng lượng phát thải khí nhà kính (tính bằng tấn) có trong hàng hóa nhập khẩu. Chứng chỉ CBAM, mặc dù tương đương với chứng chỉ phát thải của Liên minh Châu Âu (EUA), nhưng sẽ được cấp riêng biệt với EUA và 2 chứng chỉ sẽ không thể hoán đổi cho nhau.
Giá của chứng chỉ CBAM sẽ tương quan với giá trung bình của EUA.
Việc xác định số lượng chứng chỉ cần thiết sẽ tính đến tỉ trọng của các EUA được phân bổ tự do mà các nhà sản xuất hàng hóa tương đương ở EU được hưởng.
Dự thảo cũng quy định các khoản khấu trừ được thực hiện để phản ánh các khoản phí phát thải khí nhà kính mà nước xuất xứ hàng hóa phải chịu trực tiếp.
CBAM ban đầu chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng có nguy cơ "rò rỉ carbon" cao như sắt, thép, xi măng, phân bón, nhôm và sản xuất điện. Đây đều là những mặt hàng quan trọng đối với thương mại khu vực châu Á.
Vào cuối giai đoạn chuyển đổi (năm 2025), Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đánh giá xem CBAM đang hoạt động như thế nào và có cần điều chỉnh phạm vi hoạt động hay không, sau đó quyết định hoặc là mở rộng cơ chế này ra để nó bao phủ một phần lớn hơn của chuỗi giá trị, hoặc tăng phạm vi các sản phẩm nằm trong các lĩnh vực hoặc các ngành nghề được chọn.
Theo dự thảo quy định, mỗi quốc gia thành viên EU sẽ thành lập các cơ quan chức năng mới để quản lý việc bán, bán lại, bãi bỏ và giám sát chứng chỉ CBAM.
Theo kế hoạch, CBAM sẽ được ra mắt bắt đầu từ năm 2023.
Trước khi CBAM đi vào hoạt động hoàn toàn, cần có một giai đoạn chuyển tiếp trong đó nghĩa vụ của nhà nhập khẩu sẽ bị giới hạn trong việc báo cáo lượng khí thải của họ hàng quý mà không cần phải mua và nộp lại chứng chỉ CBAM hoặc nộp tờ khai CBAM hàng năm.
Bắt đầu từ năm 2026, chỉ những nhà nhập khẩu có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của CBAM mới có quyền đưa hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM vào EU.
Các nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng phải bắt đầu thiết kế và thực hiện các quy trình cần thiết để tuân thủ luật mới nhằm đảm bảo việc tiếp cận thị trường không bị gián đoạn bắt đầu từ năm 2023.
CBAM sẽ ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp, tới tất cả các lĩnh vực phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa liên quan vào EU.
Điều này có thể có tác động đến các luồng thương mại toàn cầu và các quyết định mua hàng.
Đề xuất về đánh thuế hàm lượng carbon đối với hàng nhập khẩu, nếu được thực hiện đúng, sẽ góp phần cắt giảm lượng phát thải toàn cầu và làm chậm biến đổi khí hậu.
CBAM sẽ nâng cao phúc lợi của con người và sức khỏe của hành tinh nếu việc thực hiện nó góp phần làm giảm cường độ carbon trong thương mại quốc tế ở châu Á, theo Vinod Thomas, nghiên cứu viên xuất sắc về quản lý phát triển tại Học viện Quản lý Châu Á ở Manila, Philippines. Nhưng nó sẽ trở thành một dự án tốn kém về kinh tế nếu bị biến thành một cuộc chiến thương mại bảo hộ giữa các khu vực.