Ông Đỗ Phan Anh Quân - chủ quán Dê tươi 378, đường Võ Văn Kiệt, Q.1 - cho biết quán ông vẫn bán mang về và đang chờ được chính quyền cho phép mở cửa phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên, với đề xuất của Ban QLATTP TPHCM (không bán rượu, bia) thì việc kinh doanh, buôn bán của quán sẽ không khác gì bán mang về như lâu nay. Khách trực tiếp đến quán là do muốn nhậu, không cho nhậu chẳng khác nào cấm bán trực tiếp. Ban QLATTP TPHCM cũng đề xuất áp dụng nguyên tắc 5K trong ăn uống. Điều này là không phù hợp vì khách phải tháo khẩu trang mới ăn uống được, và khách thường đi theo nhóm, theo gia đình, không thể giới hạn số khách trong quán và ở mỗi bàn.
Cảnh đông đúc ở các quán nhậu tại TPHCM thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát |
Giám đốc hệ thống nhà hàng H.D. cho rằng, quy định không cho bán bia, rượu sẽ khống chế ở đối tượng nào, mô hình hoạt động nào? Nhiều điểm bán trứng vịt lộn, ốc, khô mực trên vỉa hè hoặc xe đẩy đều có bán rượu, bia cho khách ngồi uống tại chỗ, vậy có cấm được hay không? Giả sử không cho nhà hàng bán bia, rượu nhưng khách tự đem bia, rượu đến thì sẽ xử lý như thế nào bởi nhà hàng không thể đuổi khách? Rượu, bia là thức uống, ai muốn uống gì là quyền của mọi người, việc lây bệnh hay không lây là do ý thức của mỗi người chứ không phải do uống rượu, bia. Nếu cho phép mở cửa nhà hàng mà không cho bán bia, rượu thì không nhà hàng nào mở cửa vì không có khách hàng.
Cũng theo vị giám đốc trên, nếu cho rằng máy điều hòa nhiệt độ làm lây lan dịch bệnh thì tại sao trước đây không cho người dân đi chợ ngoài đường, lại buộc họ vào siêu thị có máy lạnh để mua hàng? Ngoài ra, đề xuất cho mở cửa đến 21g thì nhà hàng phải mời khách về lúc 20g30 để còn thời gian dọn dẹp, đóng cửa. Với thời gian cập rập như vậy, khách sẽ không ra nhà hàng. Dịch bệnh đâu có lây lan vào ban ngày hay ban đêm, lúc 21g hay 22g mà lại ra quy định cứng nhắc, tréo ngoe như vậy? Ông cho biết: “Nghe thông tin được mở cửa nên chúng tôi đã huy động người lao động quay trở lại TPHCM vào đầu tháng Mười nhưng đến nay vẫn chưa cho hoạt động. Chúng tôi đành phải hỗ trợ toàn bộ tiền nhà trọ, tiền ăn uống để giữ chân họ. Nếu bắt đóng cửa để khỏi lây nhiễm thì các nhà hàng cũng chấp nhận nhưng phải hỗ trợ chi phí mặt bằng, tiền lương cho người lao động.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban QLATTP TPHCM - cho rằng hiện nay, dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Do đó, khi đề xuất mở cửa trở lại, ban phải tính toán những điều kiện về phòng, chống dịch. Nguy cơ lây nhiễm trong việc tổ chức ăn uống cao hơn môi trường làm việc. Về 5K, không bắt buộc luôn giữ khoảng cách 2m hay phải có rào chắn, quy định số người trong cùng thời điểm mà tùy cấp độ dịch, người bán phải điều tiết, xử lý phù hợp.
Theo bà Phong Lan, siêu thị được mở máy lạnh là do khách vẫn đeo khẩu trang khi vào đó mua sắm, còn khi vào nhà hàng ăn uống thì mở khẩu trang ra nên nguy cơ sẽ lớn hơn. “Việc đề xuất này cảnh báo cho người dân thấy nguy cơ lây lan dịch trong môi trường kín, nhiệt độ thấp để khách lựa chọn. Tôi nghĩ sẽ bỏ tiêu chí này vì nó ảnh hưởng tới các nhà hàng, cửa hàng, dịch vụ ăn uống bên trong trung tâm thương mại dùng chung hệ thống máy lạnh và cũng không thể mở cửa sổ được” - bà Phong Lan nói.
Còn về việc không cho bán rượu, bia, bà Phong Lan cho rằng, người uống rượu, bia (nhậu) thường tập trung khá đông, chưa kể còn sang bàn khác giao lưu. Các quán nhậu thường xếp bàn ghế san sát nhau nên nguy cơ càng cao hơn nữa. “Nếu không có những giới hạn, vậy việc bắt người dân giãn cách, giữ khoảng cách để phòng dịch trước nay trở nên vô nghĩa. Nên bây giờ, trong các tiêu chí đặt ra để bình thường hóa, mình phải hy sinh rượu, bia trước”. Tuy nhiên, theo bà, những quy định này không phải kéo dài mà sẽ gỡ bỏ khi kết quả kiểm soát dịch bệnh khả quan.
Quốc Thái - Thanh Hoa