Nguồn cung nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh còn rất thiếu. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HOREA), hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 280.000 công nhân làm việc tại 17 khu công nghiệp và khu chế xuất, nhưng chỉ 8% công nhân được ở trong khu lưu trú các khu công nghiệp, thông tin trên VnEconomy.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản lại không mặn mà phát triển loại hình nhà giá thấp hay nhà ở xã hội. Nguyên nhân là đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội, lợi nhuận chỉ đạt 10 - 15%, thấp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại. Thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội là 5 năm và trong lúc đó doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh dự án nhà ở thương mại khác.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng đồng ý về xây dựng đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu là phát triển được loại căn hộ có diện tích 25 - 50m2, mức giá không quá 25 triệu đồng/m2.
Nguồn cung nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh còn thiếu. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
M&A kích thích thị trường bất động sản
Cũng cùng chủ đề bất động sản, trên báo Đầu tư có bài đáng chú ý về các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A). Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động mua bán - sáp nhập bất động sản vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn, nhất là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2021. Những cái tên được nhắc đến nhiều như Vinhomes, Nam Long…
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho biết, cơ hội vẫn dành cho các nhà đầu tư sẵn sàng chờ sự bật lại của thị trường. Trong thời gian tới, thị trường có thể sẽ ghi nhận những thương vụ chuyển nhượng lớn trong lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng. Các thương vụ thành công sẽ nằm tại những dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng hoặc tài sản hoàn thiện đang hoạt động.
Đề xuất dịch vụ ăn uống không máy lạnh, rượu bia: Thuận tiện cho quán bình dân, khó cho nhà hàng
Đề xuất dịch vụ ăn uống không sử dụng máy lạnh, không bán rượu bia đang có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp, đề xuất này đang thuận tiện cho quán bình dân, khó cho nhà hàng, thông tin trên Sài gòn Giải phóng.
Theo lý giải của những chủ quán ăn ăn bình dân, bán tại chỗ, dù hạn chế lượng khách, nhưng sẽ thuận lợi khi kết hợp bán mang về vì cùng số lượng nhân viên phục vụ. Thêm vào đó, với bún, phở, hủ tiếu, thời gian sử dụng dịch vụ không lâu, nên không có máy lạnh vẫn có thể duy trì.
Trong khi đó, những nhà hàng có quy mô lớn e ngại, cho sử dụng phòng riêng nhưng không sử dụng máy lạnh, khách không thể ngồi được, vì hiện nay không phải nhà hàng nào cũng có ngoài trời, thông thoáng. Mặt khác, nhà hàng phải bán thêm rượu, bia. Các doanh nghiệp kiến nghị cần có những sửa chữa bổ sung để tạo điều kiện cho họ trở lại.
VTV.vn - Mới đây, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!