Chuỗi cung ứng bị phá vỡ
Trên khắp châu Âu, các nhà bán lẻ chẳng hạn như chuỗi cửa hàng may mặc H&M, đã không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường vì hàng chậm đến. Tại Mỹ, Nike đã cắt giảm dự báo doanh số bán hàng sau khi COVID-19 buộc các nhà máy ở Đông Nam Á đóng cửa suốt nhiều tháng. Cổ phiếu của Công ty bán lẻ Bed Bath & Beyond sụt giảm trong bối cảnh vận chuyển gặp khó khăn, Giám đốc điều hành Mark Tritton cảnh báo rằng sự gián đoạn sẽ kéo dài sang năm tới.
Theo freightos.com - một nền tảng đặt vé vận chuyển hàng hóa toàn cầu - giá cước cho tuyến đường từ Trung Quốc đến bờ Tây Bắc Mỹ đã tăng lên hơn 20.000 USD/container, so với 4.500 USD vào một năm trước. Trong khi đó, tình trạng thiếu lao động trên diện rộng do yêu cầu tiêm chủng và giãn cách khiến không có đủ công nhân để bốc dỡ những container từ tàu xuống bến cảng. Điều này đã gây ra tình trạng tồn đọng hàng kỷ lục tại các cảng ở bờ Tây, khiến hàng hóa bị trì hoãn chu trình đến kệ hàng.
Ngành đồ chơi thế giới đang đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (trong ảnh: Ngôi nhà trong mơ của Barbie tại một phòng trưng bày đồ chơi mẫu ở New York vào tháng 9) - Ảnh: AP |
Về phía nhà cung cấp, Jay Foreman - chủ Công ty đồ chơi Basic Fun tại Mỹ - đã hợp tác sản xuất đồ chơi với các đối tác sản xuất ở Trung Quốc trong hơn ba thập niên và chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như hiện nay. Công ty của Foreman đưa ra một quyết định chưa từng có, đó là bỏ lại 1/3 số xe tải đồ chơi mang tính biểu tượng của công ty ở nhà máy tại Trung Quốc. Giá vận chuyển container tăng cao và các điểm ách tắc trong mạng lưới cung cấp khiến chi phí đưa món đồ chơi cồng kềnh này đến đất Mỹ hiện lên đến 40% giá bán lẻ.
Isaac Larian - người sáng lập và Giám đốc điều hành của MGA Entertainment, một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới - cho biết: “Tôi đã làm công việc này trong 43 năm và chưa bao giờ thấy tình hình tệ đến mức này. Tất cả rủi ro đều đồng thời có thể xảy ra”.
Người tiêu dùng thiếu sự lựa chọn
Tại cửa hàng nội thất Whom Home ở Los Angeles, Giám đốc điều hành Jon Bass cho biết, ông đã phải xóa khoảng 70% sản phẩm của công ty - tổng cộng hàng ngàn mặt hàng bao gồm đồ trang trí tường và đồ nội thất - khỏi trang web của các đối tác bán lẻ. Bass cho biết: “Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại vì lựa chọn của họ bị hạn chế. Đây là thời điểm bất thường trong thế giới kinh doanh. Không có gì ổn định”.
Chi phí gia tăng trong chuỗi cung ứng (chẳng hạn như giá sợi bông chạm mức cao nhất trong chín năm) và tình trạng thiếu hụt lao động đang khiến giá hàng hóa tăng, khiến người tiêu dùng có thể lựa chọn cách không mong muốn là giảm chi tiêu. Điều này cũng có thể thúc đẩy sự thay đổi thói quen tiêu dùng lớn hơn, từ mua sắm hàng hóa sang tăng cường chi tiêu cho dịch vụ, một xu hướng xuất hiện trong năm nay khi người dân chọn chi nhiều hơn cho du lịch và ăn uống.
Điều mà những nhà kinh doanh lo lắng nhất là trong khi kỳ vọng được tiếp cận, mua sắm, tiêu dùng của khách hàng đang tăng cao nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử, ngành bán lẻ lại đứng trước nguy cơ gây thất vọng nặng nề cho công chúng về những gì đang diễn ra trong mùa mua sắm năm nay.
Tấn Vĩ (theo AP, Bloomberg, CBC, SCMP)
Xem thêm: lmth.3897441a-gnat-auq-ueiht-el-aum-tom-court-gnal-ol-ioig-eht/nv.moc.enilnounuhp.www