Từ đầu tháng 9-2021 đến tháng 10-2021 tại TP.HCM đã ghi nhận nhiều ca nghi ngờ ngộ độc rượu được nhập viện tại một số bệnh viện trên địa bàn.
Nhiều điểm bán rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: NV
Nhiều cơ sở sản xuất rượu không đảm bảo an toàn
Hiện nay có nhiều điểm bán rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài những điểm kinh doanh cố định cũng có không ít trường hợp rao bán rượu nhà tự sản xuất ngay trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, việc tiêu thụ những loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ mang lại nhiều rủi ro cho người sử dụng.
Từ ngày 1-10, khi TP.HCM vừa nới lỏng giãn cách, một số bệnh viện đã liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol, trong đó đã có nhiều trường hợp tử vong.
Nhằm nắm bắt thông tin, tiến hành thanh kiểm tra và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu không đảm bảo ATTP, có nguy cơ gây ngộ độc rượu cho người tiêu dùng trên địa bàn TP, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ban hành Công văn về việc kiểm tra, rà soát tình hình ngộ độc rượu.
Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, đề nghị UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm ATTP trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, xuất sứ rõ ràng; Rà soát, thống kê tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn (từ tháng 7-2021 đến nay); tiến hành điều tra truy xuất nguồn gốc và xử lý (nếu có).
Đồng thời, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất rượu, đặc biệt là cơ sở sản xuất theo hình thức thủ công, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm ATTP.
Xử lý nghiêm trường hợp bán rượu không rõ nguồn gốc
Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM, theo quy định Nghị định 105/2017 thì cá nhân không được sản xuất rượu để kinh doanh mà chỉ được sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại.
Trường hợp cá nhân sản xuất rượu thủ công nhưng không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp thì cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.
Cá nhân cũng không được quyền phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu. Thậm chí đối tượng được bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 25 Nghị định 98/2020, hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến ba triệu đồng.
Ngoài ra, Điều 28 quy định hành vi kinh doanh rượu sản xuất trong nước có độ cồn từ 5,5 độ trở lên không dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước hoặc dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước không đúng quy định, thì bị phạt tiền với mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 50 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Đới với người sản xuất rượu trong nước có độ cồn từ 5,5 độ trở lên có hành vi không dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước hoặc dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước không đúng quy định thì mức phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt tiền nêu trên.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đang tiếp tục xử lý và sẽ thông tin khi có kết quả điều tra các vụ ngộ độc rượu diễn ra trong thời gian vừa qua. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi có bất kì triệu chứng bất thường nào xảy ra sau khi sử dụng rượu, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. |