Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề cương Luật Dân số tháng 10/2021, trong đó có các biện pháp điều chỉnh mức sinh.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 9, Bộ Y tế đề xuất một số biện pháp để điều chỉnh mức sinh trên phạm vi cả nước cũng như tại các tỉnh có mức sinh thấp hoặc cao. Một trong những điểm đáng chú ý đó là với tỉnh có mức sinh thấp, Bộ đưa ra các biện pháp khuyến khích vợ chồng sinh đủ hai con.
Theo đó:
- Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai.
- Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập.
- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình.
- Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; khuyến khích trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ.
- Các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng được thực hiện theo Nghị định 90/2019. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu đồng; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, phụ nữ ở vùng I mà có mức sinh thấp, có thể nhận được hỗ trợ 4,42 triệu đồng khi sinh con thứ nhất và lên tới 8,84 triệu đồng khi sinh con thứ hai. Trong khi đó, ở vùng IV mà có mức sinh thấp, phụ nữ cũng có thể được Nhà nước hỗ trợ tới 6,14 triệu đồng nếu sinh con thứ hai.
Trước kia, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở tỉnh có mức sinh thấp được khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật. Tuy nhiên, mức hỗ trợ căn cứ vào thực tiễn và quyết định, lựa chọn của địa phương.
Bên cạnh đó, với các tỉnh có mức sinh cao, Bộ Y tế cũng dự thảo các biện pháp để điều chỉnh mức sinh, cụ thể:
- Phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh đủ hai con cam kết không sinh thêm con được Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng; trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 11.
- Miễn phí sử dụng các biện pháp tránh thai bao gồm cả phương tiện tránh thai cho người có nhu cầu tránh thai.
- Hỗ trợ người cung cấp dịch vụ kỹ thuật tránh thai từ tuyến trên xuống tuyến dưới tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cộng tác viên dân số, người vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các gói dịch vụ dân số cơ bản phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội và đặc trưng văn hóa.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.18442526172011202-2-uht-noc-hnis-un-uhp-ohc-gnod-ueirt-01-nag-gnouht-taux-ed-et-y-ob/nv.zibefac