Ngày 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, có việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và các dự án BOT.
Điểm sáng quy hoạch ngành quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công
Báo cáo chung tình hình của ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tổng số 37 quy hoạch ngành quốc gia của cả nước, Bộ GTVT được giao lập 5 quy hoạch ngành quốc gia của 5 lĩnh vực. Đến thời điểm hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định thông qua cả 5 quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 quy hoạch (đường bộ, đường sắt, cảng biển).
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trong 10 tháng vừa qua, Bộ GTVT giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1%.
Từ nay tới 31/1/2022, Bộ GTVT sẽ tiếp tục giải ngân khoảng 14.259 tỷ đồng. Về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, với tổng chiều dài 652,86km, năm 2021 hoàn thành 1 dự án, năm 2022 sẽ hoàn thành 4 dự án, năm 2023 hoàn thành 4 dự án, năm 2024 hoàn thành 2 dự án.
Báo cáo về tình hình thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và dự án BOT, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, đến thời điểm này, có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó Bộ GTVT quản lý 69 trạm, đã lắp đặt 351 làn, còn phải lắp 69 làn; địa phương quản lý 43 trạm, đã lắp 189 làn, còn phải lắp 62 làn. Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai thu phí không dừng do có tính chất đặc thù. Khoảng 2 triệu phương tiện đã dán thẻ đầu cuối.
"Trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bất tiện cho chủ phương tiện tham gia dịch vụ như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền, nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ GTVT đã giao thanh tra Bộ GTVT thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ hậu kiểm, rà soát toàn bộ quá trình triển khai thực hiện để có các điều chỉnh, khắc phục kịp thời các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, kịp thời khắc phục các lỗi trong quá trình vận hành hệ thống. Chỉ đạo các nhà đầu tư BOT lắp đặt các làn thu phí còn lại đảm bảo tại mỗi trạm thu phí chỉ tồn tại 1 làn của thu phí hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy.
Về tình hình triển khai dự án BOT, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 218.022 tỷ đồng để đầu tư 69 dự án theo phương thức PPP (hoàn thành đưa vào khai thác 66 dự án với tổng mức đầu tư 206.509 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư 3 dự án với tổng mức đầu tư 11.432 tỷ đồng).
Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đánh giá tác động của việc tăng giá và xây dựng lộ trình áp dụng, ưu tiên một số dự án có doanh thu sụt giảm lớn trong năm 2021. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, do dịch Covid-19 bùng phát, Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư tiếp tục lùi thời hạn tăng giá/phí. Với tình hình hiện nay của dịch COVID-19, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp doanh nghiệp BOT nghiên cứu, xây dựng lộ trình để áp dụng mức phí điều chỉnh trong thời gian tới.
Nhiệm vụ trong thời gian tới rất lớn
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ vui mừng trước khí thế làm việc của Bộ GTVT trong thời điểm hiện nay.
Đặc biệt, công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch mới là nhiệm vụ khó khăn thì đến nay, Bộ GTVT đã “đi trước” các bộ, ngành trong lĩnh vực này, hoàn thành và được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua cả 5 quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường thủy).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, “hạ tầng giao thông đi đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó”, Phó Thủ tướng cho biết: “Chính phủ đánh giá rất cao các đồng chí đã tập trung công sức để xây dựng được 5 quy hoạch này”.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, trong giai đoạn tới, một trọng những đột phá được xác định là hạ tầng giao thông. Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ GTVT rất lớn mà theo Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, tới năm 2025, phải hoàn thành 2.000km cao tốc cũng như hoàn thành các cảng hàng không, cảng biển…
“Cũng có những lúc các đồng chí gặp rất nhiều khó khăn, tôi vẫn động viên anh em là bây giờ các đồng chí muốn làm nhanh, làm mạnh thì phải làm đúng”, Phó Thủ tướng cho biết đồng thời khẳng định nếu công trình giao thông gặp “vấn đề”, phải thanh kiểm tra thì sẽ phải dừng toàn bộ.
Gợi mở một số công việc thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, 5 quy hoạch ngành quốc gia sau khi đã phê duyệt thì cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; công bố công khai, thông tin tuyên truyền rộng rãi và có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, từ đó, các địa phương chủ động trong thu hút đầu tư, tạo ra nguồn lực rất lớn, góp phần thay đổi diện mạo đất nước.
“Bây giờ có quy hoạch cảng nhưng không có nhà đầu tư vào thì cũng không được khi mà chúng ta chủ yếu sử dụng hình thức PPP, hoặc nhà đầu tư tư nhân đầu tư trực tiếp”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT cần đặc biệt quan tâm đến giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông với chiều dài khoảng 750km, theo đó, cần rút kinh nghiệm trong triển khai các đoạn tuyến giai đoạn 2017-2021 trong công tác mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu.
“Cần đưa rõ mốc hoàn thành dự án như một tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác tư vấn, thiết kế, chuẩn bị đầu tư để rút ngắn công đoạn này. Mục tiêu là phải khởi công toàn tuyến trước 31/12/2022, hoàn thành trước tháng 6/2025”.
Hoàn thành nghiệm thu, bàn giao, vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước 10/11/2021
Đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho Thành phố Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.
Đồng thời, Bộ GTVT hỗ trợ Hà Nội, TPHCM đẩy nhanh tiến độ, triển khai mới thêm các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu từ nay đến 2025 có thể khánh thành, đưa vào sử dụng thêm một số tuyến.
Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ GTVT thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, để làm sao có thể khánh thành vào năm 2025 như mục tiêu đề ra với tinh thần “Việc gì đã chuẩn bị xong thì cho khởi công trước”.
Về vấn đề thu phí không dừng, Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự thuận tiện, lợi ích, văn minh, tiết kiệm tuy nhiên, đến nay, công việc này chưa đạt yêu cầu đề ra.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần quyết liệt hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để sớm hoàn thành. Khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đối với các trạm còn lại, từ nay đến hết tháng 11, hoàn thành ký hợp đồng, chọn được nhà thầu. Phấn đấu đến tháng 3/2022, lắp xong toàn bộ tất cả các trạm trên hệ thống đường cao tốc toàn quốc.
Bên cạnh đó, đổi mới hình thức, tạo điều kiện lợi cho người dân trong sử dụng dịch vụ thu phí không dừng như mở tài khoản, dán thẻ… làm sao phấn đấu đến tháng 6/2022, phần lớn phương tiện (trên 90%) được dán thẻ.
Ngay trong Quý I/2022, phấn đấu tất cả các tuyến cao tốc chỉ giữ lại 1 làn thu phí một dừng. Tiến tới lựa chọn một số tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, đóng hoàn toàn việc thu phí thủ công. Bộ GTVT đề xuất cơ chế để các dự án đường bộ cao tốc triển khai trong thời gian tới đây phải có hệ thống thu phí không dừng.