Lũ tại Phú Yên đang dâng cao, người dân kê dọn đồ đạc, đi sơ tán - Video: DUY THANH
Mưa lớn suốt đêm 26 và cả ngày 27-10 khiến nước lũ nhiều con sông ở tỉnh Phú Yên dâng lên nhanh mức trên báo động cấp 2. Dự báo chiều tối nay nước lũ tiếp tục lên cao, có sông đạt báo động cấp 3.
Mưa mù mịt, lũ chia cắt đường đến xã An Nghiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vào chiều 27-10 - Ảnh: DUY THANH
Đến 17h30 chiều 27-10, tại Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Đồng Xuân đã có hơn 60 người dân ở xóm Giữa thuộc khu phố Long Châu (thị trấn La Hai) đến sơ tán tránh lũ.
Hành trang của người dân đi tránh lũ là áo quần, mền gối, cà mèn đựng thức ăn… và cả cặp sách cho các cháu nhỏ là học sinh, để giữa lũ cũng có thể học online được.
"Nước lũ lên nhanh. Bà con tranh thủ dọn dẹp nhà cửa rồi lật đật (vội vàng) trưa nay lên đây. Lúa thóc thì mùa này thu hoạch xong là vô bao gởi lên lầu nhà người quen rồi. Nhà tui có 5 người, nhưng ông chồng ở lại lo giữ nhà, nước lớn lắm thì sang nhà lầu hàng xóm tránh, còn mấy mẹ con bà cháu lên đây tránh lũ cho chắc ăn" - bà Nguyễn Thị Phận, 53 tuổi, cho biết.
Bà cháu bà Nguyễn Thị Phận với lỉnh kỉnh đồ đạc đi sơ tán tại Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Đồng Xuân - Ảnh: DUY THANH
Ngồi cách vài mét là vợ chồng cụ Võ Phụng Cương (87 tuổi) và Nguyễn Thị Nhị (85 tuổi). Hai cụ cho biết đã lên trung tâm văn hóa tránh lũ từ trưa nay vì lo chiều nước lớn, già yếu không đi được. Hai cụ cũng mang theo cơm nước, bánh trái, đồ dùng cá nhân để ở tại nơi sơ tán trong 2 ngày.
"Tụi tui ở vùng thấp quá nên lũ lớn là phải sơ tán ngay, không dám ở nhà. Lên đây ở cho an toàn" - cụ Cương nói.
Nhờ lực lượng ứng phó thiên tai của huyện hỗ trợ, mỗi gia đình đi sơ tán được bố trí riêng một khu vực, đảm bảo khoảng cách an toàn với gia đình khác. Người dân sơ tán đều đeo khẩu trang, hạn chế trò chuyện cùng nhau vì ai cũng lo dịch bệnh.
"Tụi tui lớn tuổi đều đã tiêm 2 mũi vắc xin rồi, nhưng ở đây nhiều người trẻ hơn có thể mới tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm, nên mình phải đeo khẩu trang và nhắc mọi người cũng như vậy để an toàn, chứ sợ dịch lắm" - cụ Võ Thị Tiến, 81 tuổi, nói.
Những người đi sơ tán tránh lũ được bố trí từng nơi trú tạm cách nhau, phải đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19 - Ảnh: DUY THANH
Ông Phạm Trung Chánh - phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân - cho biết từ trưa 27-10, nước lũ về lớn đã làm ngập nhiều đoạn đường của quốc lộ 19C, ĐT 647, ĐT 641, ĐT 642 gây chia cắt 3 xã, trong đó riêng xã Xuân Sơn Bắc với 3.000 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Đến chiều nay 27-10 đã có 4 xã, thị trấn phải sơ tán tránh lũ.
"Chống lũ năm nay khác và khó hơn mọi năm là "chống kép", tức vừa chống lũ, vừa chống dịch nên chúng tôi rất lo. Các phương án đã lên là các gia đình được đưa vào các phòng học hoặc khu văn hóa, bố trí ở giãn cách nhau, tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc để đảm bảo an toàn. Lực lượng ứng phó thiên tai cũng kiêm luôn trách nhiệm nhắc nhở bà con phòng dịch, đồng thời hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho dân sơ tán" - ông Chánh cho hay.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, hiện nước các sông tại Phú Yên vẫn đang lên. Thủy điện Sông Ba Hạ tăng lượng xả lũ từ 1.200m3/s buổi sáng lên 2.000m3/s vào trưa cùng ngày. Một số hồ thủy lợi lớn cũng cho xả tràn về hạ du để đảm bảo an toàn hồ đập…
Từ trưa đến chiều nay, nhiều khu vực ở các huyện Tuy An, Tây Hòa, Sông Hinh, thị xã Sông Cầu…, người dân đã chủ động kê dọn, gởi đồ đạc, sơ tán tại chỗ đến nhà người quen trong xóm để đảm bảo an toàn vì lo ngại lũ dâng cao trong đêm tối.
Một số hình ảnh vùng lũ Tuy An, Đồng Xuân của Phú Yên trong chiều 27-10:
ĐT 642 nối thị trấn La Hai với xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị ngập sâu trong lũ - Ảnh: DUY THANH
Người dân huyện Tuy An dắt bò đi tránh lũ - Ảnh: DUY THANH
Ông Lê Văn Phong ở xã An Định (huyện Tuy An) dọn đồ sang gởi nhà hàng xóm vì lo tối 27-10 lũ sẽ dâng cao gây ngập nhà - Ảnh: DUY THANH
TTO - Đến sáng 25-10, lũ tại Quảng Nam rút chậm, một số khu vực thấp trũng vẫn còn ngập cục bộ. Quốc lộ 1 nước đã rút, xe cộ đã qua lại bình thường.
Xem thêm: mth.5435608172011202-k5-uht-naut-nav-ul-yahc-at-tat/nv.ertiout