vĐồng tin tức tài chính 365

Đằng sau thông điệp của tổng thống Mỹ với ASEAN

2021-10-28 06:17

Tối 26-10 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ các chuỗi sự kiện xung quanh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 kéo dài từ ngày 26 đến 28-10. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên sau bốn năm giữa một tổng thống Mỹ và các lãnh đạo ASEAN kể từ  năm 2017.

Đằng sau thông điệp của tổng thống Mỹ với ASEAN - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN lần thứ 9
theo hình thức trực tuyến hôm 26-10. Ảnh: REUTERS

Mỹ xem trọng vai trò trung tâm của ASEAN

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Biden cho biết Mỹ cam kết coi trọng quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh quan hệ ASEAN - Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt với tương lai Đông Nam Á cũng như đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.

Ông Biden cũng khẳng định ASEAN giữ vai trò trung tâm trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực, trật tự khu vực dựa trên luật lệ và các giá trị, nguyên tắc nêu trong Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Mỹ và ASEAN có chung tầm nhìn về một khu vực mà mọi quốc gia có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng; và mọi quốc gia dù có lớn mạnh đến đâu cũng phải tuân theo luật.

Về vấn đề Biển Đông, ông Biden khẳng định Mỹ tiếp tục ủng hộ lập trường, nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông. Ông hoan nghênh các nỗ lực của khối nhằm thúc đẩy hợp tác, đối thoại, về đảm bảo thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng hoàn chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

“Sự hợp tác giữa Mỹ và ASEAN sẽ được duy trì và ngày càng trở nên quan trọng khi hai bên cùng nỗ lực để đương đầu với những thách thức định hình thế kỷ 21 gồm giải quyết đại dịch COVID-19, đối phó với khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng, phát triển công nghệ mới và duy trì các vùng biển cùng nền kinh tế khu vực mở” - ông Biden cho hay.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng điểm lại khoản tài trợ hơn 200 triệu USD thời gian qua cho các nỗ lực ứng phó với COVID-19 và hỗ trợ 40 triệu liều vaccine cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước ứng phó với đại dịch và triển khai Sáng kiến tương lai y tế ASEAN - Mỹ. Washington dự kiến sẽ công bố thêm một chương trình khác trị giá hơn 100 triệu USD trong thời gian tới cùng với các sáng kiến mới về tăng cường hợp tác hai bên trong các lĩnh vực y tế, khí hậu, giáo dục và phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Theo tờ South China Morning Post, chi tiết khoản tài trợ hơn 100 triệu USD của Mỹ dành cho ASEAN sắp tới sẽ được phân bổ như sau: 40 triệu USD sẽ dành cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu ứng phó COVID-19; 20,5 triệu USD dành cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu; 20 triệu USD là để cho vay và hỗ trợ phục hồi kinh tế; 20,5 triệu USD cho giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới.

Mỹ đẩy mạnh nỗ lực liên kết đồng minh, đối tác khu vực

Theo giới phân tích, việc ông Biden trở lại tham gia các hội nghị khu vực của ASEAN cho thấy phù hợp với tầm nhìn của nhà lãnh đạo này về tầm quan trọng của việc khôi phục mạng lưới đồng minh, đối tác chặt chẽ của Mỹ để đối phó các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc (TQ).

Theo hãng tin Reuters, TQ đang đầu tư mạnh vào các nước châu Á thông qua Sáng kiến Vành đai - Con đường về cải thiện hạ tầng cơ sở và kinh tế, thương mại, song dư luận tại nhiều nước ngày càng lo ngại trước nguy cơ bị sa vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Chính quyền của Tổng thống Biden từng nhiều lần công khai tuyên bố TQ là thách thức dài hạn hàng đầu của Mỹ và ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần này, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Edgard Kagan khẳng định Washington có lợi ích trực tiếp, rõ ràng trong việc phối hợp với ASEAN trong phục hồi chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu và quan trọng là “giải quyết các thách thức hàng hải chung” - ám chỉ đến các tuyên bố chủ quyền phi pháp của TQ ở Biển Đông.

Trên cơ sở đó, chuyến đi của ông Biden cũng phát đi tín hiệu rằng vai trò trung tâm khu vực của ASEAN là không thể thay thế và là một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ.

Đây là điều cần làm bởi gần đây, các cơ chế và liên minh có yếu tố Mỹ hoặc Mỹ lãnh đạo ở khu vực này hoạt động rất tích cực, trong đó phải kể đến “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD - gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật) và liên minh Mỹ - Anh - Úc trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) vừa ra đời hồi tháng 9. Mỹ trong tháng 10 cũng đã tổ chức nhiều đợt tập trận ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các nước nói trên nhưng chưa có hoạt động cụ thể nào với các thành viên ASEAN, nên việc khối này có tâm lý lo ngại Mỹ muốn thay ASEAN nắm quyền quyết định cục diện khu vực là điều khó tránh khỏi.

“Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của ông Biden với các nhà lãnh đạo ASEAN trên cương vị tổng thống, vì vậy ông ấy cần hoàn thành mục tiêu là đảm bảo với họ rằng Đông Nam Á quan trọng đối với Mỹ nhưng vẫn là sân nhà của họ và họ được tự do quyết định hướng đi của mình” - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) Murray Hiebert nhấn mạnh.

Dù vậy, một điểm mà theo ông Mỹ vẫn chưa làm tốt là chưa có các hoạt động hợp tác sâu rộng với ASEAN và khu vực Đông Nam Á nói chung trên lĩnh vực kinh tế; cấu trúc kinh tế ở đây đến nay vẫn thiếu vắng yếu tố Mỹ và những kỳ vọng về khả năng Mỹ quay lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn không có dấu hiệu được đáp ứng. “Mỹ đang tự mình định hình một cấu trúc khu vực cạnh tranh chiến lược với TQ nhưng nếu nước này không tiến sâu hơn và hòa nhập tốt hơn với các nước bên trong thì về lâu dài rất khó có thể tạo ra những thay đổi mà Mỹ mong muốn bởi đơn giản là các nước Đông Nam Á gần TQ hơn” - ông Hiebert khẳng định.•

Myanmar không tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay

Theo hãng tin AFP, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 năm nay đã chính thức diễn ra từ hôm 26-10 nhưng vắng mặt đoàn ngoại giao của Myanmar sau khi ASEAN quyết định không mời lãnh đạo nước này. Trước đó, ASEAN thông báo sẽ cho phép đại diện phi chính trị của Myanmar tham gia hội nghị, song chính quyền quân sự nước này tuyên bố chỉ đồng ý để lãnh đạo hoặc bộ trưởng tham dự.

Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, các lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Các lãnh đạo của khối khẳng định đoàn kết chính là chìa khóa để ASEAN và Myanmar có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những phức tạp hiện nay.

Các lãnh đạo cũng đề nghị cần triển khai kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm đã được hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tháng 4-2021 nhất trí, đồng thời hoan nghênh các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của ASEAN dành cho người dân Myanmar đã được triển khai thời gian qua. 

Xem thêm: lmth.6734201-naesa-iov-ym-gnoht-gnot-auc-peid-gnoht-uas-gnad/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đằng sau thông điệp của tổng thống Mỹ với ASEAN”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools