Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị cần bổ sung trách nhiệm, chế tài
với người đứng đầu sau khi xin được cơ chế đặc thù. Ảnh: C.LUẬN
Đừng để mang tiếng “xin - cho”
Đa số đại biểu (ĐB) tán thành việc ban hành các nghị quyết nói trên nhưng bày tỏ một số băn khoăn về cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, thành trong khung phát triển chung của quốc gia và trách nhiệm của các địa phương được trao cơ chế đặc thù.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: Khát vọng phát triển đất nước cũng như câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng luôn là trăn trở của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
“Chúng ta luôn trân trọng những thành quả tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay và cần phải xác định nó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm giữa 63 tỉnh, thành anh em. Dù có hay không có cơ chế chính sách đặc thù mà trong đại dịch, tình quân dân, nghĩa đồng bào đã khắc họa sâu sắc ân tình này, khó ai có thể quên được” - ĐB Nhân nói.
Một số ĐB đề nghị phải ràng buộc trách nhiệm các địa phương với việc sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản.
ĐB Đàng Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị phải quy định về nguyên tắc vay với dư nợ vay mà bốn địa phương này được phép thực hiện. Quy định cơ chế chịu trách nhiệm của TP và các tỉnh, cam kết đảm bảo trả nợ vay và hiệu quả vốn vay.
“Phải có sản phẩm được đầu tư bằng vốn vay, sản phẩm đó phải thật sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, có hiệu ứng lan tỏa cho kinh tế vùng và kinh tế quốc gia, tránh làm ảnh hưởng vượt trần nợ công của quốc gia” - ĐB Hương nói.
Một số ĐB quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương được trao cơ chế đặc thù lần này. ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị ngoài trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành và cấp tỉnh thì các nghị quyết nên bổ sung trách nhiệm và chế tài người đứng đầu.
“Tôi cho rằng đây không chỉ là thách thức mà là cơ hội cho những người lãnh đạo, cho những người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ dám làm. Có thêm chế tài người đứng đầu thì khẳng định với các tỉnh, TP còn lại rằng đây không phải là cơ chế xin - cho. Mà đây là phải có bản lĩnh thì mới dám xin cơ chế đặc thù. Ta phải khẳng định như vậy” - ĐB Hạ nói.
Cần có tiêu chí để áp dụng cơ chế đặc thù
Một số ĐB cho rằng chính sách đặc thù đã được áp dụng tại một số địa phương, do đó cần có rà soát, đánh giá, phân định cụ thể sự phát triển của các địa phương là do tác động của chính sách đặc thù hay dựa trên thế mạnh của địa phương.
Sau khi áp dụng chính sách đặc thù, địa phương có phát triển như kỳ vọng hay không sẽ đánh giá tính hiệu quả của cơ chế để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, không nên áp dụng dàn trải quá nhiều địa phương khi chưa có tổng kết, đánh giá.
ĐB Phạm Trọng Nhân và ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) đều cho rằng cần đặt cơ chế, chính sách trong tổng thể nền kinh tế mà không phải từng tỉnh riêng lẻ.
ĐB Nhân cho hay trong 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về trung ương thì chỉ có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù. Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn, nhất là khi đất nước trải qua đợt dịch nặng nề.
“Tại sao không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng” - ĐB Nhân đặt vấn đề.
ĐB Cầm Hà Trung (Phú Thọ) đề nghị cần xác định quan điểm, tiêu chí xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết thỏa đáng, tránh cơ chế xin - cho, quyết định cảm tính.
Thậm chí như ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) còn đề nghị trong bối cảnh dịch COVID-19 và yêu cầu tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế thì có thể xem xét, cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị quan tâm đến nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao, đã có nghị quyết về địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối về ngân sách, đến năm 2030 có thể điều tiết ngân sách cho trung ương. Đây là những địa phương rất cần có những chính sách đặc thù giúp rút ngắn thời gian tự cân đối ngân sách hoặc điều tiết ngân sách về trung ương.
“Ngân sách nhà nước dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới đây do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, việc điều tiết ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách là hết sức vất vả. “Tấm chăn” ngân sách nhà nước kéo bên này thì co lại phía bên kia, co lại bên kia thì bị kéo lại phía bên này” - ĐB Tạo nêu.
Đặc thù vẫn đảm bảo công bằng Đây chỉ là một số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù và làm thí điểm để các tỉnh này có điều kiện bứt phá lên. Còn hệ thống chính sách của chúng ta vẫn phải đảm bảo giữ nguyên chứ không có sự mất công bằng trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Chủ trương này là nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, bứt phá, phát triển tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về cho trung ương. Về những nguyên tắc và quan điểm, một là phải phù hợp với đường lối, liên quan đến tiêu chí mà các vị ĐB nói là lựa chọn các địa phương phải phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Hai là một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội phải đảm bảo tính tương đồng với các tỉnh, TP khác đã được áp dụng các cơ chế này. Ba là phải được nghiên cứu dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa tạo điều kiện để bứt phá, vừa đề cao tự lực, tự cường, vươn lên, cũng như tính năng động, chủ động, sáng tạo của các địa phương, phù hợp với khả năng của cân đối ngân sách và không ảnh hưởng đến bội chi, vượt trần nợ công. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG |