Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay các gói hỗ trợ đang được thiết kế - Ảnh: Quochoi.vn
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 28-10 về việc một số chuyên gia cho rằng giai đoạn hiện nay không nên khóa cứng trần nợ công và bội chi, ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Bộ Tài chính, cho hay đang thiết kế các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay theo nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc, trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm xuống.
Theo đó, ông Phớc cho biết hiện Bộ Tài chính đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.
Cụ thể là gói kích cầu như là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm, có thể từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng. Hai là phát hành công trái, trái phiếu, ngoại tệ trong nước.
Đồng thời, để tăng thu cho ngân sách sẽ tập trung vào tăng thu trong nền tảng số, tức là tập trung vào thu thuế ở các nền tảng số mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới.
Gắn với đó là đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị. Hiện tổng các gói đang được thiết kế.
Đồng tình cần có gói hỗ trợ, đại biểu Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng trước nguy cơ lỡ nhịp phục hồi tăng trưởng, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thì cần có gói chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội với quy mô lớn hơn để cứu doanh nghiệp và kích thích động lực tăng trưởng.
"Quốc hội, Chính phủ phải đề ngay ra được tái cấu trúc, phục hồi nền kinh tế 2 năm tới. Bên cạnh sự yểm trợ về tài khóa, tôi đề xuất nên ban hành cơ chế đặc thù về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đơn giản nhất, giảm thanh tra kiểm tra, tạo môi trường thuận lợi cho hồi phục sản xuất kinh doanh" - ông Lộc đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường lưu ý các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay.
"Gói chính sách cần phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để ứng phó với tình hình dịch bệnh, như việc trợ cấp, sản xuất, tiêu dùng, hỗ trợ công nhân" - ông Cường lưu ý thêm là từ thực tiễn các gói chính sách vừa qua thực hiện có những điều kiện ràng buộc khi triển khai gây khó thực hiện. Đơn cử như quy định hỗ trợ ràng buộc người lao động khi thất nghiệp Chính phủ cần quy định mức thế nào về thủ tục để tạo thuận lợi và có các điều kiện tổ chức triển khai cho phù hợp.
TTO - Nếu tính cả khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 khoảng 10,45 tỉ USD, tương đương 2,84% GDP.