Đó là quan điểm chung được nêu ra của nhiều chuyên gia, đại diện các bộ, ban - ngành tại tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 28-10.
Bất động sản là xương sống của nền kinh tế
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định thị trường bất động sản hoàn toàn có khả năng tự phục hồi. Doanh nghiệp không xin hỗ trợ tiền mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách, chỉ cần những nút thắt về mặt chính sách được giải quyết thì thị trường địa ốc sẽ bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt".
Ông Châu dẫn ví dụ, Chính phủ cũng đã có các quyết sách như Nghị định 148, Nghị định 69 đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại nhà chung cư cũ nhưng đến nay các chính sách này chưa đi vào cuộc sống.
Ví dụ khác, qua đại dịch một lần nữa câu chuyện về chỗ ở cho công nhân lại được đưa ra bàn luận. Mới đây, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… giải quyết bài toán an sinh xã hội. Nguồn vốn mồi từ ngân sách đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi qua kinh nghiệm thực tế, cứ có 1 đồng cấp bù lãi suất từ ngân sách thì có thể huy động hơn 30 đồng vốn từ xã hội.
Liên quan đến nguồn vốn cho thị trường bất động sản, TS Cấn Văn Lực cho rằng không giảm mà vẫn tăng, tính đến hết quý 3 vừa qua, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6%. Hiện tổng dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng hơn 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài - FDI vẫn rất tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, nguồn vốn đăng ký mới đạt 1,74 tỉ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, đứng thứ 2 sau lĩnh vực chế biến, chế tạo... Riêng góp vốn mua cổ phần vào M&A bất động sản cũng đạt gần 1 tỉ USD và chiếm khoảng 23%...
Nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ Quốc gia, nêu quan điểm: “Tôi đang kiến nghị với TP HCM rằng trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TPHCM nói riêng".
Vốn giải ngân đầu tư công sẽ tăng mạnh trong vài năm tới. Ảnh: Hoàng Giang
Theo TS Lịch, để làm được việc này, đối với TP HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Giờ hỗ trợ doanh nghiệp khởi động trở lại, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ tất cả nút thắt, thông qua đại dịch lần này thì thấy thắt chỗ nào phải gỡ chỗ đó để doanh nghiệp bung lên. Hiện TP.HCM có tới hơn 170 dự án tồn đọng, thì cần tháo gỡ nhanh những dự án này để cho họ khởi động.
"Khổ nỗi là mỗi dự án lại có một vướng khác nhau nên không để gom chung tất cả vào để xử lý mà phải có hướng xử lý khác nhau cho từng dự án. Dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường bất động sản kích hoạt" - TS Du Lịch nhận định.
TS Du Lịch cho rằng, TP.HCM cần xem đầu tư công như kích thích để tăng tổng cầu. Với kinh nghiệm nhiều năm cho thấy cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỉ đồng thì sẽ kích thích thị trường 500.000-600.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, TP HCM cũng ưu tiên chương trình di dời nhà ở, chương trình di dời kênh rạch trong 2016-2020 chỉ thực hiện được hơn 12% mục tiêu đề ra. Nếu tập trung các giải pháp này thì sẽ kích thích nền kinh tế TP phát triển rất nhanh và rất mạnh theo lý thuyết tăng trưởng cấp số nhân.
Doanh nghiệp rục rịch bung hàng mới
Toạ đàm, ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Nhà - Thị trường Bất động sản, Cục Quản lý Nhà và Thị trưởng Bất động sản, Bộ Xây dựng nói: “Thị trường bất động sản trên cả nước nhìn chung có gặp khó khăn, giảm phát cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Tổng nguồn cung chỉ đạt 60%-70%, lượng giao dịch còn thấp hơn, chỉ 40%-50% so với quý 2 năm nay.
Tuy nhiên, sự giảm phát của thị trường không đồng nhất ở các địa phương, chủ yếu giảm mạnh ở một số tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM. Điều đó, thấy rằng thị trường giảm phát không phải do nhu cầu mà chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn do tác động dịch bệnh tạo nên”.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho biết, so sánh thị trường bất động sản hậu COVID-19 với giai đoạn khó khăn của nền kinh tế trong khoảng 10 năm trước, nhận thấy có rất nhiều yếu tố khác biệt. Nếu trước đây khi nền kinh tế gặp khủng hoảng kinh tế, thông thường nhu cầu mua bán trên thị trường địa ốc sụt giảm ngay lập tức. Tuy nhiên, lần này thì không hẳn như vậy.
Theo ông Lực, tác động của cuộc khủng hoảng y tế lần này gây thiệt hại chủ yếu đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, dịch vụ thuê mặt bằng bán lẻ. Trong khi đó phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà ở, logistic lại tương đối khả quan, vẫn nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.
Điều đó cho thấy nhu cầu trên thị trường bất động sản vẫn luôn tồn tại. Bên cạnh đó, dòng tiền rẻ nhờ lãi suất cho vay đang ở mức thấp, cho nên ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng giá bất động sản không hề giảm.
Theo Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam: Trong thời gian dịch kéo dài khoảng 5 tháng, hơn 70% các sàn giao dịch gặp khó khăn, chỉ có khoảng 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%; các hoạt động của môi giới giảm đáng kể. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhiều doanh nghiệp bắt đầu rục rịch mở bán trong tháng 10 này.
Về phía khách hàng, sau một khoảng thời gian dù khách hàng còn thận trọng nhưng hiện đã có khởi sắc. Khách hàng sẽ tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định như TP.HCM, Bình Dương… những nơi ở vùng kinh tế phát triển sẽ thu hút hơn.
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng: “Gần đây, các chủ đầu tư đều có kế hoạch ra hàng, chào bán mạnh các sản phẩm dự án trong TP.HCM và tỉnh thành khác. Năm nay, điểm sáng về mặt pháp lý điều chỉnh nhiều luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, hy vọng rằng khi những vướng mắc về pháp luật được tháo gỡ và sớm đưa vào thực thi sẽ giúp giảm thiểu lệch pha về cung cầu, qua đó giúp thị trường nhanh chóng phục hồi và phát triển”.