Các dự án cấp bách phải hoàn thành trong năm 2021
Tại Hội nghị trực tuyến giao ban nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 10 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, tháng 10 là tháng nhiều khó khăn đối với Bộ, nhưng về cơ bản Bộ vẫn hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhiệm vụ hoàn thành, Bộ trưởng nhận định vẫn còn một số hạn chế như công tác giải ngân vốn đầu tư công còn yếu, công tác mở lại các hoạt động vận tải hành khách còn lúng túng, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án, công tác xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.
Do vậy Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị nhìn thẳng vào những hạn chế để khắc phục làm sao cho công tác năm 2022 được hoàn chỉnh hơn.
Về triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định pháp chế là vấn đề đột phá do đó yêu cầu Vụ Pháp chế và các bộ phận pháp chế của các Tổng cục, Cục phải đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, sớm hoàn thành và trình các Thông tư, đề án sát với thực tế phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ.
Trong lĩnh vực vận tải, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đang thực hiện lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động vận tải, theo đó Bộ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị từng bước mở lại vận tải khách đảm bảo nhu cầu vận tải khách cũng như công tác phòng chống dịch, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, chỉ đạo sát sao để khôi phục mạnh mẽ hơn hoạt động vận tải đường bộ, làm tốt hơn nữa hoạt động duy tu sửa chữa đường bộ, trong đó ưu tiên sữa chữa kịp thời các tuyến quốc lộ trọng yếu. Bên cạnh đó, Tổng cục cần khẩn trương thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về hoạt động thu phí điện tử không dừng.
Cục Hàng không Việt Nam sớm sử dụng phần mềm PC-COVID để hành khách khai báo y tế và phục vụ công tác kiểm soát dịch cũng như tập trung hoàn thiện sớm đưa vào vào hoạt động các đường băng mới được sửa chữa tại hai sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.
Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng phần mềm PC-COVID để khai báo y tế và kiểm soát dịch đối với hành khách đi tàu. Bên cạnh đó cần sớm xem xét kế hoạch duy tu đường sắt năm 2022.
Cục Quản lý xây dựng tăng cường kiểm tra giá sát chất lượng, tiến độ các dự án. Các Ban quản lý dự án tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đối với các dự án cấp bách nhất thiết phải kết thúc trong năm nay. Những dự án trọng điểm quốc gia dứt khoát không được để chậm. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư có vướng mắc gì, các đồng chí cần báo cáo ngay cho Vụ KHĐT, cho các Thứ trưởng phụ trách".
Hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn
Thông tin tại cuộc họp, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, tính đến tháng 10, đã có 3/5 quy hoạch đã được phê duyệt. Dự kiến 2 quy hoạch chuyên ngành còn lại sẽ được phê duyệt trong năm 2021.
Về công tác bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19, công tác phòng, chống lụt bão, Bộ GTVT đã kịp thời ban hành các hướng dẫn và quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải 5 lĩnh vực.
Bộ trưởng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đưa vào hoạt động ngay trong tháng 10/2021; Bộ cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải tại các địa phương; tổ chức các hội nghị về vận tải logistics trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ trong hoạt động vận tải, hoạt động thi công dự án, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Về kết quả giải ngân, cũng theo Chánh Văn phòng Nguyễn Trí Đức, dự kiến tháng 10/2021, Bộ giải ngân được 2.204 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Trong số này, giải ngân vốn trong nước 26.373 tỷ đồng, đạt 68,4%, giải ngân vốn nước ngoài 2.741 tỷ đồng, đạt 56,7%.
Từ đầu năm đến nay, Bộ đã phê duyệt, quyết toán 43 dự án, hạng mục công trình, giá trị 14.987 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10, Bộ đã phê duyệt 07 dự án, hạng mục công trình với giá trị là 1.683 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trí Đức, từ nay đến cuối năm, các cơ quan của Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, kịp thời trong tình hình mới; xây dựng kế hoạch vận tải phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022.
Bên cạnh đó, tập trung, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án ODA, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Khắc phục khó khăn, vướng mắc đế đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2021.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn vật tư dự phòng, chủ động xây dựng kịch bản, tăng cường công tác ứng trực đế xử lý, khắc phục ngay hư hỏng về kết cấu hạ tầng do bão lũ gây ra, đảm bảo kịp thời cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn.