Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 của tập đoàn Hòa Phát công bố những kỷ lục mới. Theo đó quý vừa qua Hoà Phát đạt 38.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 56% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế vượt 10.000 tỷ đồng (10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ 2020.
Không riêng Hoà Phát, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép cũng gặt hái kết quả kinh doanh ấn tượng trong vài năm trở lại đây. Những số liệu khả quan này đã được phản ánh trong diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Cổ phiếu của những công ty này lập đỉnh của lịch sử. Bên cạnh xu hướng tăng chung của thị trường, diễn biến ngành thép cũng củng cố cho xu hướng giá này.
Cổ phiếu 3 ông lớn ngành thép vượt đỉnh lịch sử.
Bối cảnh chung của ngành thép trong quý 4/2021 và năm 2022 liệu có duy trì đà tăng trưởng này nữa? Báo cáo phân tích mới đây của công ty chứng khoán Vietcombank đưa ra nhận định ngành thép vẫn giữ vững triển vọng lạc quan.
Triển vọng từ tiêu thụ nội địa
VCBS cho biết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ cho năm 2020-2021 ở mức cao lịch sử so với trung bình 3 năm trước đó, tuy nhiên thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước đó cùng thời kỳ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, công ty chứng khoán này nhận định thời gian sắp tới khi dần mở cửa sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân và xây dựng hơn nhiều và sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Bên cạnh động lực đến từ đầu tư công, việc mở cửa sau giãn cách sẽ thúc đẩy xây dựng bất động sản. Hiện nay nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai dự án bị hoãn lại trong 9 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng giãn cách xã hội. Cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng từ đầu năm khiến cho việc triển khai các dự án bất động sản nhiều khó khăn. Vì vậy VCBS kỳ vọng từ Q4/2021, các dự án sẽ nhanh chóng được triển khai sau 1 thời gian dài giãn cách.
Xu hướng giá các nguyên liệu luyện thép
Một số nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép biến động trái chiều trong bối cảnh kinh tế phục hồi và cắt giảm sản lượng của Trung Quốc. Ví dụ giá than từ đầu năm liên tục tăng do nhu cầu năng lượng tăng mạnh trong khi nền kinh tế hồi phục. Giá than tăng mạnh trong tháng 9 chủ yếu do nhu cầu năng lượng tăng vượt dự báo cùng với Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than từ Úc cùng với việc sản lượng khai thác than nội địa tăng lên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong dài hạn, VBCS cho rằng giá than sẽ dần hạ nhiệt nhưng vẫn sẽ ở mức cao so với trước.
Với mặt hàng quặng sắt, Trung Quốc đang cắt giảm dần sản lượng sản xuất để giảm lượng khí thải carbon trong dài hạn, với mục tiêu giữ sản lượng sản xuất thép dưới mức 1,07 tỷ tấn/năm. Điều này là giảm cầu của quặng sắt trên thế giới và làm giảm giá quặng sắt trên toàn cầu. UBS dự đoán giá quặng sắt trong trung hạn sẽ giữ ở mức 89 USD/tấn và trong dài hạn sẽ giữ ở mức trên 65 USD/tấn (trên mức chi phí khai thác mỏ).
Gần đây, Trung Quốc với mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng/GDP và cùng việc giá than tăng cao làm đẩy giá điện lên, cùng tình trạng thiếu điện cho khu vực sản xuất công nghiệp. VCBS cho rằng việc này sẽ gây khó khăn cho việc sản xuất thép và làm tăng giá thành sản xuất thép dựa trên điện như cán thép và lò EAF.
Giá thép tiếp tục giữ ở mức hiện tại cho đến 2022
Có 3 lý do để VCBS đưa ra nhận định này. Thứ nhất là việc Trung Quốc đang siết chặt giảm sản lƣợng sản xuất thép hàng năm do các vấn đề về môi trường và hạn chế
tiêu thụ năng lượng. Điều này khiến cho nguồn cung về thép trên toàn thế giới giảm đi khi Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới
Thứ 2 đến từ việc giá thành sản xuất thép trên thế giới vẫn giữ ở mức cao. Giá các mặt hàng năng lượng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì với đà hồi phục kinh tế thế giới, đồng thời đa số các nước có tỷ lệ lớn sản xuất thép bằng lò EAF.
Cuối cùng, nhu cầu thép trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng với các gói kích thích đầu tư công liên tục giải ngân nhằm kích thích kinh tế sau Covid-19.
Điểm sáng xuất khẩu
Việc Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu, gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ Trung Quốc và mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh thâm nhập vào thị trường này. Đây là cơ hội cho mảng xuất khẩu thép của Việt Nam.
Ngoài ra biện pháp tự vệ quota tại Châu Âu khiến cho các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào Châu Âu trong thời gian ngắn khó tăng thêm sản lượng xuất vào thị trường này khi nhu cầu tăng đột biến. Do đó, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Hiện giá thép sản xuất tại Việt Nam có sức cạnh tranh với lợi thế sản xuất thép từ công nghệ BOF là chính, đồng thời đang dần tự chủ được nguồn cung HRC trong nước đã giúp hạ giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên thị trường thép thế giới cũng đối diện rủi ro từ việc thị trường bất động sản Trung Quốc giảm sút. Từ tháng 8/2020, Trung Quốc áp đặt quản lý giới hạn cấp tín dụng dựa trên 3 tiêu chi thường được gọi là “3 lằn ranh đỏ” lên nhiều tập đoàn lớn như EverGrande. Giới hạn tăng trưởng tín dụng làm hạn chế khả năng vay nợ và đảo nợ của các nhà phát triển bất động sản có sức khỏe tài chính yếu kém và có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ thép.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị