Trà là một trong những loại đồ uống yêu thích của người Trung Quốc trong nhiều thiên niên kỷ qua. Sau đó, đến năm 1999, Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh, đem đến cho người dân Trung Quốc nhiều lựa chọn đồ uống khác nhau và khiến họ say mê với cách pha chế cà phê theo phong cách của Mỹ. Đến nay, đã có hơn 4.700 cửa hàng Starbucks trên khắp Trung Quốc.
Mới đây, Lavazza - một trong những tên tuổi lớn nhất trong văn hóa cà phê của Ý, cho biết họ muốn chinh phục thị trường Trung Quốc bằng sản phẩm "thực thụ". Tập đoàn này muốn mở 1.000 cơ sở tại đất nước tỷ dân đến năm 2025.
Năm ngoái, Lavazza mở một cửa hàng flagship tại Thượng Hải với cách bài trí gợi lên sự sang trọng theo phong cách châu Âu. CEO của một công ty tư vấn chiến lược nhận định: "Lavazza có cơ hội được coi là một thương hiệu châu Âu chất lượng, với sản phẩm cà phê espresso hấp dẫn những người tiêu dùng sành sỏi nhất ở Trung Quốc".
Tuy nhiên, việc chiếm thị phần tại Trung Quốc không hề dễ dàng đối với Lavazza dù họ đã có hơn 1 thế kỷ kinh nghiệm về văn hóa cà phê. Trên thực tế, Starbucks đã mất hàng chục năm để mở 1.000 cửa hàng và sau đó mới trở thành một thế lực "thống trị" ở quốc gia này.
Bên cạnh đó, Starbucks có hàng chục năm kinh nghiệm hoàn thiện mạng lưới của mình trên toàn cầu. Kể từ năm 1999, Starbucks đã phát triển ổn định tại Trung Quốc. Mục tiêu của họ là có hơn 6.000 cơ sở vào cuối năm tài chính 2022.
Ngược lại, Lavazza chủ yếu được biết đến như một nhà bán hạt cà phê chất lượng cao hơn là nhà bán lẻ lâu đời. Ngoài các cửa hàng ở Trung Quốc, Lavazza mới chỉ có 1 cơ sở ở London và 1 cơ sở ở Milan.
Thế nhưng, Lavazza lại sở hữu một "con át chủ bài" tiềm năng. 1 năm trước, công ty đã hợp tác với Yum China – nhà điều hành độc quyền ở Trung Quốc đại lục với các thương hiệu như KFC, Pizza Hut.
Nhờ đó, Lavazza sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng cũng như thông tin về thị trường địa phương của Yum. Theo Bloomberg, Yum hiện sở hữu 65% cổ phần của liên doanh và Lavazza nắm giữ phần còn lại. Tổng cộng, họ đã bơm khoảng 200 triệu USD vào liên doanh để đầu tư cho tham vọng của Lavazza tại Trung Quốc.
CEO của Lavazza, Antonio Baravalle, nói: "Thị trường Trung Quốc là một cơ hội lớn. Yum là công ty tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi là một công ty Ý có tuổi đời 126 năm, cung cấp công thức cà phê nguyên bản và sự quyến rũ mà người Trung Quốc đánh giá cao.
Sự hợp tác với Yum là ‘cuộc hôn nhân hoàn hảo’ bởi liên doanh của hai bên có thể trở thành nhà phân phối các sản phẩm của Lavazza bao gồm viên nén cà phê ở cả hai phân khúc bán buôn và bán lẻ ở Trung Quốc".
Một lợi thế khác của Lavazza khi hợp tác với Yum là có thể bảo vệ Lavazza khỏi chủ nghĩa tiêu dùng dân tộc đang gia tăng ở Trung Quốc. Đây là chủ nghĩa khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang các doanh nghiệp trong nước. Một số công ty lớn như Nike, Adidas đã phải đối mặt với không ít áp lực liên quan đến vấn đề này.
Hiện, Lavazza đang tăng tốc tại Trung Quốc với hơn 20 quán cà phê mọc lên ở khắp Thượng Hải, Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu. Theo nghiên cứu thị trường của Mordor Intelligence, hầu hết các nhà quan sát trong ngành đều kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia chủ yếu uống cà phê trong vòng 5 năm tới, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10% cho đến năm 2026.
Theo Euromonitor International, doanh số bán hàng tại các cửa hàng cà phê và trà của Trung Quốc đã tăng lên 7,7 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 551 triệu USD vào năm 2010. Trung Quốc hiện là nơi có hơn 21.000 cửa hàng cà phê, báo cáo năm 2020 của Allegra cho biết.
Baravalle cho biết các quán cà phê của Lavazza ở Trung Quốc sẽ phục vụ đồ uống và đồ ăn đa dạng để thu hút khách hàng ở từng địa phương bên cạnh một số món ăn truyền thống của Ý như mì lasagna.
Nguồn: Bloomberg
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị