Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây ra khó khăn cho mọi doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực. Để thích ứng với bối cảnh mới, phục hồi sản xuất và phát triển, các doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cấu trúc doanh nghiệp, điều chỉnh và thay đổi mô hình kinh doanh.
Chiều 27.10, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) đã tổ chức chương trình Tọa đàm Cảm xúc tháng 10: Đi qua mùa bão. Đây cũng là dịp kỷ niệm 7 năm thành lập VAWE. Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nhân đã chia sẻ cảm xúc, tâm thế, góc nhìn của mình, cũng như nhận định xu hướng kinh tế và mô hình kinh doanh thay đổi sau giai đoạn khủng hoảng bởi đại dịch bệnh. Từ đó, có sự chuyển đổi linh hoạt, thích ứng với tình hình mới để phục hồi và phát triển doanh nghiệp.
Chia sẻ bức tranh kinh tế vĩ mô sáng “hậu Covid-19” với các nữ doanh nhân
Nhìn nhận về tình hình hậu Covid -19, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhận xét, Việt Nam đang thay đổi chiến lược từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn” với Covid-19, cùng với độ phủ vaccine ngày càng lớn thì các hoạt động kinh tế sẽ trở lại “bình thường mới” từ quý I năm 2022.
Trong đợt dịch vừa qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, và họ cũng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Dù thế, lãnh đạo Dragon Capital cho rằng sau dịch lại là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ phát huy thế mạnh ở mảng, lĩnh vực thị trường mình nắm giữ, và dịch chuyển nhanh chuỗi cung ứng, cũng như số hoá hệ thống quản trị, sản xuất của mình.
Cũng có chung nhận định như ông Tuấn về tình hình kinh tế Việt Nam, Giám đốc quốc gia cấp cao khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – Ông Kyle F. Kelhofer cho rằng: Làn sóng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước trong đó có Việt Nam, tuy nhiên, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất.
Ông Kyle F. Kelhofer nhận định, luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng. Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ổn định. So với các quốc gia khác, rất ít các nước có thể đạt được sự cân bằng như Việt Nam khi vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế vĩ mô.
“Do vậy, chúng tôi đều dự đoán: Việt Nam sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn trong năm 2022 so với các quốc gia khác ở khu vực. Một trong các động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự hồi phục kinh tế của Việt Nam là các chính sách của Chỉnh phủ”, ông Kyle nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia IFC cũng nêu ra một số điểm rất quan trọng mà Việt Nam tiếp tục cần cải thiện để trở thành một quốc gia có nguồn thu nhập cao hơn vào năm 2045. Thứ nhất, đầu tư nước ngoài gia tăng, Việt Nam cần cải thiện sự kết nối giữa địa phương với nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển thì nguồn lao động chất lượng cao cần được đào tạo, kỹ năng tốt.
Tọa đàm “Đi qua mùa bão” của VAWE còn có sự tham gia của ông Vũ Minh Trí, Giám đốc điều hành Asim Telecom – nhà mạng thứ 8 trên thị trường viễn thông Việt Nam với sản phẩm tập trung vào data. Ông Trí cho rằng, trong thời gian dịch bệnh, phần lớn các doanh nghiệp phải dịch chuyển công việc kinh doanh của mình sang online để tạo ra sự có mặt trên không gian số. Hậu đại dịch, khi việc quét QR code để khai báo y tế trở nên bình thường, ai cũng sử dụng điện thoại di động, mọi thứ sẽ dịch chuyển lên không gian số, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi sang di động, khi đó phần kết nối sẽ tăng trưởng rất nhiều, nhu cầu sử dụng data và sẽ gia tăng và cần thiết có những “hệ sinh thái” sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới. Các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này sẽ có thể thành công.
Bà Tô Hồng Trang - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Digiworld chia sẻ sự cần thiết đón đầu xu thế phát triển thị trường, chuyển từ nền tảng offline sang online. “Trước đây chúng tôi chỉ là một phần trong chuỗi giá trị cung cấp hàng điện tử, chuyển sang là nhà phân phối, cung cấp dịch vụ toàn chuỗi tới tận người tiêu dùng cuối cùng qua các nền tảng online”, bà Trang cho biết.
“Hài hòa lợi ích” để phát triển bền vững là yếu tố quan trọng nhất khi “vượt bão”
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cũng chia sẻ về tầm nhìn và hướng đi của một doanh nghiệp đã vững vàng trong “bão Covid-19”.
Bà Thái Hương cho biết, doanh nghiệp do các nữ doanh nhân làm chủ đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế trong mùa dịch và khi dịch bệnh đi qua với việc tuân thủ các chủ trương, quyết sách của Chính phủ trong phòng, chống dịch, đồng thời với các nỗ lực đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên. Các doanh nghiệp của các nữ doanh nhân đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng trong cuộc chiến chống dịch bệnh vừa qua.
Theo Chủ tịch VAWE, ở thời kỳ hậu đại dịch, các nữ doanh nhân cũng có muôn vàn khó khăn để vượt qua và xây dựng căn cơ bài bản cho doanh nghiệp mình và đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước. Theo bà, các doanh nhân cần xem lại thế mạnh doanh nghiệp mình ở đâu để phát triển. Trong lúc này cần cấu trúc lại doanh nghiệp của mình, giữ lại những mảng thế mạnh, từng bước buông bỏ các mảng chưa mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn khi dẫn dắt Tập đoàn TH đi qua “mũa bão dịch Covid-19”, nữ doanh nhân Thái Hương nêu 5 giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đã xây dựng gồm: “Vì Hạnh phúc đích thực”, “Vì Sức khỏe cộng đồng”, “Hoàn toàn từ thiên nhiên”, “Thân thiện với môi trường- tư duy vượt trội” và “Hài hòa lợi ích”. Trong đó, theo bà “Hài hoà lợi ích”, hướng tới phát triển bền vững và chú trọng bảo vệ môi trường là nhân tố quan trọng nhất. Nhờ nhân tố này, TH trụ vững từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2011 cho đến nay, và ngay trong đại dịch Covid-19 vẫn tăng trưởng hai con số.
“Nếu các doanh nghiệp của các nữ doanh nhân đi theo định hướng phát triển bền vững, lấy sức mạnh nội lực của mình để làm nòng cốt thì chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua khủng hoảng, góp sức vào nền kinh tế chung của đất nước”, bà Thái Hương nhấn mạnh.