Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng. Mục tiêu xuất khẩu 14-14,5 tỉ USD có thể hoàn thành trong năm 2021.
Xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng 30%
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa được công bố tại hội nghị trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực phục hồi trong bối cảnh bình thường mới", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với Viforest tổ chức ngày 29.10.2021 cho biết: Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng trên 30%.
Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng, TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng tăng so với 9 tháng của 2020, nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu là do kim ngạch từ nửa đầu của 2021 mang lại.
Trong tháng 9.2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ chỉ đạt 691,49 triệu USD, giảm 14,1% so với tháng 8.2021 và giảm 38,3% so cùng kỳ năm trước. Tháng 10.2021 chưa có số liệu chính thức, nhưng ước tính kim ngạch xuất khẩu tương đương với tháng 10.2020. Tháng 10.2021 là thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn khá nhạy cảm, nhưng mức xuất khẩu tương đương tháng 10.2020 là "điểm sáng" của ngành gỗ cần được ghi nhận, cho thấy nỗ lực của DN cũng như toàn ngành để phục hồi sản xuất là rất lớn.
Cũng theo Viforest, nếu tính thêm nửa đầu tháng 10.2021, lũy kế kim ngạch xuất khẩu gỗ là 11,5 tỉ USD và 0,7 tỉ USD lâm sản ngoài gỗ đã tạo thêm động lực tăng trưởng cho mặt hàng này. Các mặt hàng xuất khẩu nhiều gồm: đồ gỗ đạt 4,83 tỉ USD, ghế ngồi đạt 2,68 tỉ USD, dăm gỗ đạt 1,33 tỉ USD, viên nén đạt gần 300 triệu USD...
Điều này cho thấy, nếu các DN tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát như hiện nay, thì khả năng đạt 14-14,5 tỉ USD xuất khẩu gỗ là có thể hoàn thành.
DN nỗ lực sản xuất trong “bình thường mới”
Ông Nguyễn Minh Nhật - Giám đốc Công ty TNHH Ván ép Nhật Nam, chia sẻ: Từ trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, DN này đã chủ động lên phương án, kịch bản đề phòng rủi ro, đảm bảo duy trì sản xuất. Lực lượng công nhân lao động trong nhà máy tách biệt hoàn toàn với bên ngoài để dịch bệnh không “thẩm thấu” vào doanh nghiệp; bộ phận vận chuyển vận tải thuê bên ngoài để tách biệt hoàn toàn với nhà máy, đảm bảo nguồn công nhân trong nhà máy luôn "xanh" với COVID-19.
Đánh giá về tình hình hậu giãn cách, chuyển sang bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19, TS Tô Xuân Phúc cho biết, kết quả khảo sát 131 DN ngành gỗ với các quy mô khác nhau trong tháng 10 cho thấy chỉ còn khoảng 8% số DN dừng hoạt động.
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest, Viforest đã tiến hành khảo sát nhanh các DN ngành gỗ trong thời gian từ 10 – 21.10.2021, kết quả cho thấy có 46% số DN ngành gỗ cho biết doanh thu năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020.
Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập khẳng định: “Có thể thấy được rằng, ngành gỗ Việt đang trên đà phục hồi và có cơ hội rộng mở ở thị trường đầu ra. Các DN đã và đang tích cực, chủ động để thích ứng và đón các cơ hội lớn và chủ động kiếm phương án để thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, ngành gỗ cũng đang đứng trước một số khó khăn lớn, đặc biệt về khía cạnh cạnh tranh mà 1 DN FDI đã chia sẻ: Sản phẩm ở Việt Nam sản xuất ra có thể có giá thành cao hơn so với sản xuất tại nhà máy của nước họ hay tại các nước láng giềng ở Châu Âu hay các công ty Trung Quốc. Điều này đòi hỏi ngành gỗ và Tổng cục Lâm nghiệp cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động.
Xem thêm: odl.928869-dsu-it-541-41-hcid-nac-eht-oc-og-uahk-taux-03-gnourt-gnat/et-hnik/nv.gnodoal