vĐồng tin tức tài chính 365

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Ai cũng có 'quyền làm từ thiện'

2021-10-30 03:54

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021 về Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định có hiệu lực từ 11/12, thay thế Nghị định 64/2008.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, trả lời VnExpress về vấn đề này.

- Theo Nghị định 64/2008, cá nhân không có quyền kêu gọi, vận động từ thiện. Vì sao cơ quan soạn thảo cho phép việc này tại Nghị định 93/2021?

- Tôi cho rằng không ai được độc quyền làm từ thiện và hoàn toàn đồng tình quy định mở rộng đối tượng được vận động, huy động nguồn lực xã hội cho công tác thiện nguyện.

Nghị định 64/2008 không cho nhưng thực tế nhiều người kêu gọi, phân phối tài sản từ thiện rất hiệu quả và chúng tôi tổng kết việc này khi xây dựng Nghị định 93. Việc thiện nguyện luôn xuất phát từ cái tâm; hỗ trợ người khác khi khó khăn là tấm lòng, đạo lý con người Việt Nam nên không thể ngăn cản.

Quy định mới khuyến khích cá nhân, tổ chức có điều kiện hỗ trợ các trường hợp, địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh; cùng chính quyền khắc phục khó trong bối cảnh nguồn lực ngân sách eo hẹp.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Giang Huy.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

- Liên tiếp xảy ra lùm xùm liên quan một số nghệ sĩ làm từ thiện khiến nhiều người thực tâm muốn làm từ thiện bị vạ lây. Nghị định mới đã bảo vệ họ như thế nào?

- Nghị định mới chắc chắn khắc phục được vướng mắc, lùm xùm kéo dài trong giai đoạn qua. Tôi cho rằng việc làm từ thiện nếu không có chế tài quản lý, lòng tốt của nhân dân dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Nghị định 93 đưa tất cả vào khuôn khổ, như quy định từ thiện phải đăng ký với chính quyền địa phương, lập tài khoản ngân hàng riêng cho một nội dung vận động... Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát dễ dàng.

Trước đây, chúng ta không kiểm soát hoạt động từ thiện, ai sai người đó chịu. Nhưng quy định mới gắn trách nhiệm giám sát vào Mặt trận Tổ quốc các cấp. Ví dụ, một người vận động được 100 tỷ đồng đi từ thiện ở tỉnh A nhưng lại chiếm dụng khoảng 10 tỷ thì ngoài cá nhân đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh A cũng phải chịu trách nhiệm. Khó khăn ở chỗ nhân lực của Mặt trận hạn chế, đây là việc chúng tôi trăn trở.

- Với yêu cầu phối hợp với địa phương, lập tài khoản riêng..., "lắm thủ tục" sẽ làm mất tính kịp thời, cấp bách trong hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn. Bà giải thích thế nào về việc này?

- Mọi vấn đề đều có 2 mặt. Chúng ta không thực hiện biện pháp chặt chẽ để kiểm soát sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Dù chậm một chút so với yêu cầu thực tiễn nhưng mọi việc minh bạch sẽ tốt hơn.

Nghị định 93 tạo điều kiện cho mọi người kêu gọi từ thiện một cách nhanh chóng. Điều 18 quy định, chậm nhất 3 ngày từ khi thông báo, UBND nơi nhận hỗ trợ phải hướng dẫn phạm vi, đối tượng, thời gian phân phối nên trong thời gian đó, cá nhân đi từ thiện có thể hoàn thành các thủ tục khác. Tôi tin chính quyền luôn giúp họ tối đa trong việc này.

Thời gian hỗ trợ cho một đợt thiên tai, chữa bệnh... cũng không phải chỉ vài ngày, có khi kéo dài cả tháng nên làm chặt chẽ từ đầu vừa đảm bảo tính hiệu quả lại giúp tránh dị nghị.

Ngoài ra, Nghị định 93 không điều chỉnh đối tượng là các hội nhóm nhỏ tự đi làm từ thiện bằng tiền của mình mà không kêu gọi bên ngoài đóng góp. Ví dụ, thành viên trong một nhóm, dòng họ, một câu lạc bộ cùng nhau làm từ thiện sẽ không phải lập tài khoản, đăng ký.

Các cơ sở tôn giáo cũng được tạo điều kiện làm từ thiện, chỉ cần thông báo kết quả vận động và phân phối.

­- Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm toán hoạt động từ thiện của những cá nhân huy động được số tiền lớn, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Tại sao Nghị định 93 không quy định nội dung này?

- Những cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn lực từ thiện có trách nhiệm thống kê, báo cáo kết quả với Chính phủ, UBND các cấp, cơ quan chủ quản. Mặt trận Tổ quốc ngoài báo cáo còn phải định kỳ 3 năm một lần thuê kiểm toán về rà soát toàn bộ khoản thu, chi từ nguồn nhân dân ủng hộ.

Cá nhân làm từ thiện không buộc phải kiểm toán nhưng Nghị định 93 yêu cầu công khai trên phương tiện truyên thông về số tiền, hiện vật huy động được sau 15 ngày từ khi kết thúc tiếp nhận. Việc sử dụng ra sao, cho đối tượng nào phải công khai sau 30 ngày khi kết thúc phân phối. Những nội dung này còn phải niêm yết 30 ngày tại trụ sở UBND cấp xã nơi người làm từ thiện cư trú.

Tôi cho rằng việc niêm yết cũng rườm ra nhưng không có quy định nào bao phủ mọi góc độ. Tôi hy vọng Nghị định 93 sẽ tạo cho mỗi người ý thức làm từ thiện bằng cái tâm, đảm bảo minh bạch để xã hội ngày càng nhiều việc tốt. Mặt trận Tổ quốc sẽ giám sát công tác từ thiện và sẵn sàng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh những quy định không phù hợp.

>> Toàn bộ nội dung Nghị định 93/2021

Song Minh thực hiện

Xem thêm: lmth.6568734-neiht-ut-mal-neyuq-oc-gnuc-ia-hna-cogn-iht-gnourt-ab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Ai cũng có 'quyền làm từ thiện'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools