vĐồng tin tức tài chính 365

Tăng trưởng GDP 2021 có thể đạt 4-4,5%

2021-10-30 06:58

Sáng 29.10, Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số thống kê kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021. Việc chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, các địa phương mở cửa trở lại, các doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh đã khiến tăng trưởng GDP tháng 10.2021 tốt hơn, kéo đà tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt mức lạc quan từ 4-4,6%.

Sản xuất công nghiệp cùng nhiều chỉ số đang tốt lên

Trao đổi với PV Lao Động chiều 29.10, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao (Học viện Tài chính) nhấn mạnh: Nhìn lại số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy sự dừng lại và đi xuống của tăng trưởng tháng 8,9.2021 tương đối nghiêm trọng từ đó làm cho GDP quý III/2021 có sự sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, sang tháng 10.2021, với việc Chính phủ đã thực hiện chính sách “sống chung với COVID-19”, đẩy nhanh và mạnh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân ở các địa phương, đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành cũng như các khu công nghiệp lớn; việc quay trở lại sản xuất của các DN đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh có những thay đổi rõ nét và có chiều hướng tốt lên rất nhiều. 

“Sản xuất nông nghiệp có những đảm bảo tính kế thừa của những tháng trước, về cơ bản có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định so với thời gian trước, nhưng sản xuất công nghiệp thay đổi rõ nét, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10.2021 tăng lên 6,9% so với tháng trước, cho thấy sự quay trở lại của sản xuất công nghiệp đã làm cho tăng trưởng tốt lên” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Trong thu hút vốn đầu tư, cần lưu ý đã có sự thay đổi rất rõ nét, đó là vốn đầu tư thực hiện từ Ngân sách Nhà nước trong tháng 10.2021 đã tăng lên đáng kể (tăng 18,6%) so với tháng trước, thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Điều này cho phép kỳ vọng sự bật tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở 2 tháng cuối năm. 

Theo Tổng cục Thống kê, dù hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng kim ngạch XNK hàng hóa tháng 10.2021 giảm 0,4% so với tháng 9, nhưng đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. XNK đang là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, chỉ số kim ngạch của nhóm hàng có sản lượng cao đã tăng lên. Thị trường XNK cũng lạc quan hơn khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch XK vào thị trường này tăng tới 21,9%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường truyền thống, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn ổn định...

“Nói chung xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021 tăng 16,6% so với cùng kỳ là khá ổn” - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhấn mạnh.

Với những chỉ số cơ bản mà Tổng cục Thống kê công bố, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo: Tăng trưởng GDP 2021 có thể đạt mức 4-4,5%. “Dự báo tôi đưa ra cao nhất trong các nhà kinh tế, nhưng tôi có căn cứ phân tích để cho rằng đây là mức tăng trưởng ta có thể đạt được…” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Kiên định mở cửa an toàn, ổn định sản xuất để giữ đà tăng trưởng

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), trong nền kinh tế của Việt Nam, 2 khu vực có tỉ trọng lớn nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh là công nghiệp và dịch vụ. Đối với công nghiệp, cần khuyến khích lao động quay trở lại làm việc, nhất là với các DN XK vì nhu cầu bên ngoài đang mạnh. Đối với khu vực dịch vụ, cần mở cửa cho khách trong nước và nước ngoài đi lại trên cơ sở công nhận “hộ chiếu vaccine”. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khó khăn về kinh tế khá sâu rất cần thời gian để phục hồi nhanh để bù lại. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang rình rập có thể  bùng lại bất cứ lúc nào cho nên kỳ vọng bật lên mạnh là khó thực hiện, nhưng không vì thế mà không nỗ lực ở mức cao nhất. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, thời gian kết thúc năm chỉ còn 60 ngày. Đây là khoảng thời gian quý báu để huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực. “Việc ổn định lại lực lượng lao động là một vấn đề cần ưu tiên  để tận dụng lợi thế nguồn lao động dồi dào, sẵn có có thể thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Để kích thích sản xuất, tiêu dùng, phải thúc đẩy sự sôi động đến mức cao nhất thị trường, hệ thống giao thông vận tải hành khách, hàng hoá, dịch vụ nhất là dịch vụ bán lẻ đường phố, vỉa hè, ác loại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị....” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế vĩ mô của Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, tốc độ tiêm chủng vaccine thời gian qua đã có sự cải thiện tích cực, theo báo cáo của Chính phủ, đã có gần 70% dân số được tiêm 1 liều vaccine, tỉ lệ được tiêm 2 liều vaccine chiếm khoảng 2% dân số, đây là tỉ lệ tương đối tốt và có thể ngang bằng với một số quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao trên thế giới. 

* “Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký DN cho thấy sự ủng hộ của người dân và DN trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”. (Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê) 

* Tốc độ phủ vaccine sẽ là cơ sở để VN đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 tốt hơn. Nếu Việt Nam tiêm chủng thành công, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN được bình thường trở lại thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào quý IV và những năm tiếp theo. 

(TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)


Xem thêm: odl.328869-54-4-tad-eht-oc-1202-pdg-gnourt-gnat/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tăng trưởng GDP 2021 có thể đạt 4-4,5%”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools