Khu vực phòng học, khuôn viên được khử khuẩn trước khi cho sinh viên học trực tiếp tại trường - Ảnh: NGỌC PHƯƠNG
Ông Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết các khâu chuẩn bị đã hoàn tất để đón hơn 100 sinh viên năm cuối trở lại trường học trực tiếp các học phần thực hành, bảo vệ đồ án tốt nghiệp từ ngày 1-11.
Ưu tiên sinh viên năm cuối
Theo ông Thịnh, đây là những sinh viên đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, đã đăng ký học trực tiếp tại trường và chủ yếu đang sinh sống tại TP.HCM.
"Không ít phụ huynh và sinh viên đủ điều kiện nhưng còn lo lắng về dịch bệnh nên chưa đăng ký học trực tiếp. Trong khi đó, nhiều sinh viên các tỉnh chưa trở lại TP.HCM hoặc chưa tiêm vắc xin đủ theo quy định nên không đủ điều kiện học trực tiếp" - ông Thịnh cho biết.
Để đảm bảo tiến độ học tập và tốt nghiệp của sinh viên, đợt đầu tiên học trực tiếp này ưu tiên cho sinh viên năm cuối.
Tương tự, nhiều học phần thực hành, đồ án tốt nghiệp cũng được Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức trực tiếp từ ngày 1-11. Ông Lê Đình Kha - hiệu trưởng nhà trường - cho biết những lớp học trực tiếp đầu tiên này tổ chức cho sinh viên năm cuối.
Hơn 50% sinh viên đủ điều kiện về tiêm vắc xin đã đăng ký học trực tiếp. Nhiều sinh viên và phụ huynh vẫn còn lo lắng, không đăng ký học trực tiếp. Trường tổ chức những lớp thực hành còn thiếu, bảo vệ đồ án tốt nghiệp cho sinh viên theo hình thức cuốn chiếu.
Ông Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cũng cho biết một số học phần thực hành của sinh viên năm cuối đã được tổ chức học trực tiếp để đảm bảo tiến độ đào tạo, tốt nghiệp của sinh viên. Sinh viên, giảng viên phải được tiêm vắc xin, các lớp học được tổ chức theo nhóm nhỏ để đảm bảo phòng dịch.
Ông Phạm Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng - cho biết trong hai ngày vừa qua, 3.000 học sinh dưới 18 tuổi của trường đã được tiêm vắc xin. Các phương án tổ chức lớp học cũng đã được hoàn tất. Trường đã cho học sinh, sinh viên đăng ký môn học. Khi đủ điều kiện sẽ triển khai dạy học trực tiếp.
Một số trường đại học khác như Công nghệ TP.HCM, FPT (cơ sở TP.HCM) dự kiến cho sinh viên học trực tiếp tại trường từ giữa tháng 11…
Nếu chờ toàn bộ sinh viên đủ điều kiện, không biết khi nào mới mở cửa trường. Trải nghiệm đời sống sinh viên rất quan trọng và chỉ có thể có được khi học trực tiếp. Hiện sinh viên năm nhất khá thiệt thòi do chưa được trải nghiệm đời sống sinh viên, phải ôm máy tính suốt.
Ông Lê Trường Tùng (chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT)
Lớp nhỏ, nhiều ca
Theo lịch học thực hành, ôn thi tốt nghiệp trực tiếp của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, các lớp học được bố trí tối đa 15 sinh viên/lớp, chia nhiều ca. Một số lớp còn được chia nhỏ thành các nhóm ba sinh viên khi thực hành.
Ông Lê Đình Kha cho hay các điều kiện để được tổ chức dạy học trực tiếp rất khắt khe. Ngoài việc đo thân nhiệt sinh viên, quét "mã khai báo y tế và tiêm vắc xin" khi vào cổng trường, phải thực hiện phun khử khuẩn hằng tuần.
Ngoài đội ngũ y tế và phòng ốc chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, trường cũng mua kit xét nghiệm nhanh để sử dụng khi cần thiết. "Sinh viên được bố trí học cuốn chiếu theo tuần. Việc học trực tiếp hoàn toàn chắc còn phải chờ" - ông Kha nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết dự kiến giữa tháng 11 sẽ triển khai cho sinh viên đã tiêm đủ hai mũi vắc xin được đăng ký các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án, nhất là những sinh viên năm cuối để các em có thể hoàn thành đúng tiến độ học tập và tốt nghiệp của mình.
"Tất cả giảng viên tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn cũng sẽ tuân thủ việc tiêm chủng và khai báo y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường sẽ tổ chức các lớp học với số lượng sinh viên đúng theo tiêu chí an toàn được Bộ GD-ĐT ban hành" - ông Quốc Anh cho hay.
Ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT - cho biết sau khi tiêm vắc xin mũi 2 cho sinh viên, trường dự kiến mở cửa trường cho sinh viên học trực tiếp từ giữa tháng 11.
Theo ông Tùng, khoảng 60% sinh viên cơ sở TP.HCM đang sinh sống tại TP.HCM. Trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu tiêm vắc xin và đi học trở lại của sinh viên để lên kế hoạch mở trường từng phần. Những sinh viên đã tiêm đủ hai liều vắc xin sẽ được học trực tiếp.
Tuy nhiên, vì các điều kiện phòng chống dịch khắt khe nên dù học trực tiếp, một số môn vẫn được giảng dạy trực tuyến để đảm bảo giãn cách.
"Khi mở cửa, trường vẫn duy trì song song hai hình thức dạy trực tiếp và trực tuyến dành cho những sinh viên còn e ngại chưa đến trường hoặc chưa tiêm đủ vắc xin, chưa lên được TP.HCM" - ông Tùng nói.
Đảm bảo giãn cách
Những sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã đến trường học các học phần thực hành, thí nghiệm từ ngày 25-10. Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông - cho biết đây là những sinh viên năm cuối đã đảm bảo các điều kiện về vắc xin. Dự kiến trong tháng 11 sẽ có kế hoạch tổ chức các lớp thực hành trực tiếp cho sinh viên các khóa còn lại.
Theo ông Phạm Thái Sơn, các lớp thực hành chỉ có 10 đến 12 sinh viên để đảm bảo giãn cách. Ngoài ra, trường thực hiện phun khử khuẩn phòng học hằng tuần, đo thân nhiệt người học khi vào trường. Bộ phận y tế thường trực để xử lý kịp thời nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Hoãn mở cửa trường
Theo dự kiến, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ mở cửa trường cho sinh viên học trực tiếp các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án tốt nghiệp từ đầu tháng 11. Trường cũng đã cho sinh viên đăng ký học trực tiếp.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết trường đã hoãn cho sinh viên học trực tiếp tại trường, chờ thông báo mới. "Hơn 3.000 sinh viên đăng ký học trực tiếp, trong đó hơn 2.000 đủ điều kiện. Tuy nhiên do các tiêu chí mở cửa trường khá chặt, phải thực hiện diễn tập, trường cảm thấy chưa an tâm nên quyết định tạm chưa thực hiện học trực tiếp tại trường" - ông Thắng nói.
TTO - Nhiều trường đại học ở TP.HCM bắt đầu cho phép sinh viên trở lại trường để học tập, thực hành, làm luận văn tốt nghiệp.
Xem thêm: mth.96311948003011202-gnourt-ial-ort-neiv-hnis-nod-ib-nauhc/nv.ertiout