Phát biểu thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng giá xăng dầu đang tăng rất nhanh, trong khi đó hiện nay chúng ta đang có dư địa, công cụ như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường…
Đại biểu Ngân cho rằng dư địa còn dư, cũng như các công cụ về thuế phí cần được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất sớm can thiệp để bình ổn giá xăng
Cùng quan điểm với ông Ngân, hôm 27/10, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung. Do đó, đại biểu này cho rằng, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng không tăng lên quá cao là điều cần thiết.
Đại biểu Cường cho rằng trong bối cảnh giá tăng hiện nay có thể cân nhắc việc điều chỉnh giảm thuế, thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường.
"Chúng ta đang cần phải phục hồi nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động ảnh rất nặng của xăng dầu", đại biểu Cường nói.
Trong khi đó, về giải pháp điều chỉnh thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng cần phải được tính toán căn cơ, bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường.
Bởi nếu chính sách biến động quá nhiều, có sự thay đổi và điều chỉnh nhiều thì có thể bất lợi chung đến việc đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Không để kinh tế vĩ mô bất định
Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng trong thời gian tới nước ta sẽ đối diện nhiều thách thức. Do đó quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với diễn biến dịch bệnh COVID-19.
Nền kinh tế nước ta hiện có độ mở rộng lớn nên có thể chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những yếu tố bất định. Cụ thể thời gian qua, nhiều nước tung ra nhiều gói kích thích kinh tế làm tăng tổng cầu. Bên cạnh đó việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm cho giá cả hàng hoá tăng cao khiến lạm phát tăng mạnh.
“Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất định”, ông Ngân nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) mong muốn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần chú trọng đến việc chuyển đổi số và phát triển một nền kinh tế số. Ông nhắc lại mục tiêu của Đại hội Đảng XIII về việc kinh tế số chiếm tỷ trọng trên 20% GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Do đó, việc xây dựng đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng 2030 cần được ban hành sớm để kịp triển khai.
Còn đại biểu Bùi Văn Nghiêm (đoàn Vĩnh Long) nhắc lại việc quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn trước có 5/22 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Ông đề nghị Chính phủ cần phân tích đánh giá toàn diện nguyên nhân chủ quan, khách quan trong tác động trực tiếp, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Đại biểu này cho rằng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh… ở cả trung ương và địa phương.
Giải toả những điểm nghẽn
Phát biểu về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) đề nghị tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, từng ngành, địa phương. Từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo nguồn lực.
“Nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn”, ông Hậu nói.
Đại biểu Hậu nêu ví dụ mâu thuẫn trong ngành điện. Điện là “máu” của nền kinh tế, của sinh hoạt, đời sống người dân nhưng chúng ta đang chứng kiến mâu thuẫn lớn của ngành này. Theo đại biểu đoàn Tây Ninh, điện thì dư nhưng việc giảm giá thì hết sức khó khăn.
“Chỉ khi thực sự khó khăn thì mới được giảm giá, điện thì dư nhưng càng dùng nhiều thì giá càng tăng, rất phi thị trường. Khung giờ 9h đến 11h sáng là khung giờ vàng cho sản xuất, cũng là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm doanh nghiệp phải trả mức giá cao nhất…”, ông Hậu cho biết.
Theo ông Hậu, nếu trong 5 năm tới ngành điện xác định được đúng nút thắt của mình, Chính phủ kiên quyết chỉ đạo cơ cấu lại theo hướng tách bạch rõ ràng chủ thể của các khâu: Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện… ngành điện sẽ phát triển bền vững hơn, người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng với giá nhiều hơn, hợp quy luật hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.93881731103011202-uad-gnax-aig-no-hnib-peiht-nac-mos-taux-ed-ioh-couq-ueib-iad/et-hnik/nv.vtv