Góc học tập đơn sơ trong căn phòng tối om, ẩm thấp nuôi dưỡng khát khao thoát nghèo bằng con chữ của Linh - Ảnh: TRẦN MAI
Trần Thị Ngọc Linh (thôn Đồng Xuân, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) là cô gái luôn nỗ lực không mệt mỏi. "Với hoàn cảnh của em, không cố gắng học tập sẽ không còn con đường nào thoát khỏi cảnh nghèo khó hiện tại", Linh trải lòng.
Căn nhà chắp vá
Xuyên qua cánh đồng thôn Đồng Xuân, rồi rẽ vào con đường nhỏ nối các làng là đến nhà Linh. Căn nhà nhỏ, chắp vá với những mảng tường chưa kịp tô. Chú Mười hàng xóm bảo cách đây 7, 8 năm Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng, rồi vay mượn thêm vào làm căn nhà. Đang làm thì ông nội Linh bệnh, hết tiền. Căn nhà chắp vá từ đó đến giờ.
"Nói chung nhà đó khổ. Bà con ở xóm hay nói đùa là hộ nghèo bền vững. Nhưng được cái bé Linh ngoan và học giỏi lắm, mọi người rất thương. Nghe nó đậu đại học mà sợ không có tiền lại nghỉ, coi như nỗ lực bao năm đổ đồng vứt núi", chú Mười nói.
Buổi trưa, trời đang nắng bỗng đổ mưa lùn phùn khiến mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi, mấy cây trụ bằng gỗ qua mấy mùa bão lũ nơi hiên nhà bỗng trở nên yếu ớt. Ông Trần Sỹ (81 tuổi) - ông nội Linh - ngồi tựa lưng vào chiếc ghế nhựa ho sặc sụa, tay cứ vuốt lấy ngực. Một lúc sau ông Sỹ mới cất lời hỏi "ai đó?".
Mắt ông Sỹ mờ đục, thị lực yếu. Khi biết chúng tôi tìm Linh để xem xét gia cảnh trao học bổng, ông Sỹ gọi vọng: "Linh ơi, có người tìm này". Từ phía sau nhà, Linh bước vào, tay vẫn còn lấm lem khi vừa dọn xong chuồng vịt, lễ phép chào mọi người.
Hỏi về cuộc sống của gia đình, ông Sỹ kể một mạch, nhà chỉ có ông bà nội và Linh. Hồi Linh chưa kịp thôi nôi, cha mẹ gửi Linh và anh trai Linh (lúc đó 3 tuổi) lại rồi đi vào TP.HCM. Chồng bán chổi, vợ bán vé số, cũng dành dụm mỗi tháng gửi về nhà 2 triệu đồng để lo cho cha mẹ và hai con.
"Đáng ra cũng đỡ khổ, nghiệt nỗi tui với bả bịnh miết, tiền nuôi tiệm thuốc cả", ông Sỹ nói.
Cuộc sống quá khó khăn, anh trai Linh dù học giỏi nhưng lên lớp 9 phải nghỉ học vào TP.HCM làm thuê. Nhưng gió cứ thích vào nhà trống, khi Linh vừa lên lớp 9, cha Linh phát hiện bị ung thư gan rồi qua đời không lâu sau đó.
"Ba Linh mất, căn nhà làm lỡ dở rồi dừng đến giờ. Nợ cũng chưa trả xong", ông Sỹ nói. Phía sau nhà, còn chừa lại phần nền móng đáng ra sẽ làm nhà bếp nhưng không tiền đành để đó, ông Sỹ xin mấy tấm tôn cũ về dựng tạm cái chái nhỏ làm bếp.
Sẽ mạnh mẽ hơn
Bước vào phía trong nhà, chẳng có vật dụng gì giá trị ngoài chiếc xe máy 50cc. Chiếc tivi hỏng phủ bụi dày cộm được để dưới bàn thờ cha Linh. Mọi vật dụng khác đều cũ kỹ, chắp vá.
Linh biết khó khăn của gia đình, cô gái chưa bao giờ oán trách số phận. Cô phải đương đầu với cuộc sống, lo học tập, chăm sóc ông bà nội mỗi ngày.
"Có lần ông bà ốm, mình chăm mệt quá cũng giận mẹ sao ở mãi trong TP.HCM không về phụ giúp. Rồi mình xem tivi thấy đường TP.HCM ngập sâu, mà mẹ mỗi ngày bôn ba bán chổi đót, bán vé số. Có lần mình gọi video cho mẹ, thấy phòng trọ ngập hết, từ đó mình không giận mẹ nữa. Ở quê có cực mấy mình cũng sướng hơn mẹ", Linh chia sẻ.
Cảm xúc nghẹn ngào của tuổi 18, Linh bật khóc khi bảo rằng hơn một năm rồi mẹ chưa về nhà. Buồn nhất là ngày giỗ cha, ba ông cháu thắp nén hương trong cô quạnh. Từ khi đậu đại học, Linh phải học online, cô gái sử dụng chiếc điện thoại cũ kỹ mà chẳng dám đòi hỏi mẹ mua máy tính xách tay. Linh bảo rằng "mẹ không có tiền đâu".
TP.HCM nới lỏng giãn cách, Linh gọi điện cho mẹ, cuộc nói chuyện chỉ là những lời động viên nhau. Linh hỏi mẹ có về quê đợt này không. Mẹ Linh nói cố bám lại, ít hôm nữa nhận trợ cấp 1 triệu đồng, làm vốn mua vé số, chổi đi bán kiếm tiền, lúc này muốn về tiền trong túi cũng đã cạn. Cái máy tính mẹ Linh hứa mua làm quà đậu đại học, giờ xin khất lại.
Linh bảo mẹ giữ gìn sức khỏe, không cần mua máy tính, Linh học bằng điện thoại cũng ổn. Bà Cao Thị Tư (82 tuổi, bà nội Linh) tâm tình: "Trước tết nó nói về thăm, rồi cận tết bảo còn 3 triệu gửi về thôi. Ở lại TP.HCM tết bán vé số dễ kiếm tiền, đi về tiền xe là hết sạch. Hơn năm rưỡi rồi bé Linh chưa gặp mẹ".
Kết thúc cuộc nói chuyện, nước mắt Linh chảy dài. Cô gái bao năm kiên cường nhưng vẫn chẳng thể ngăn được cảm xúc.
Linh nhớ mẹ, thật sự rất nhớ. Trong những trang nhật ký tuổi mới lớn, cô cũng viết về nỗi cô đơn, về những sợ hãi thường trực mỗi khi đêm về và mưa bão kéo đến. Linh ước gì mình có thể mạnh mẽ hơn để giúp mẹ vơi đi gánh lo.
Niềm hy vọng của cả nhà
12 năm học, Linh chẳng thể nhớ bao lần cô có ý định nghỉ học, nhất là sau khi cha đột ngột qua đời. Không phải chán con chữ, mà Linh cảm thấy mình như gánh nặng. Nhưng rồi cô nghĩ đến lý do anh trai nghỉ học, cũng vì muốn đi làm phụ mẹ lo cho Linh, cô lại cố gắng. Linh bảo rằng với hoàn cảnh hiện tại của mình, không cố gắng học tập, kiếm một công việc ổn định sẽ chẳng thể chăm ông bà và mẹ. Với Linh, đó là con đường duy nhất. Những đắng cay hôm nay phải cố mà vượt qua.
Ông Sỹ tuổi cao, đau ốm liên miên, sau bữa cơm trưa đạm bạc, ông nằm dài ra ghế thở nặng nề. Nhìn Linh dọn rửa chén, cho vịt ăn lại xót xa. Mấy năm trước ông còn nuôi bò, năm ngoái con bò kéo ông ngã, ông sợ chẳng may gãy tay chân khiến cả nhà khổ thêm, thế là nghỉ.
Mấy tháng qua mẹ Linh không gửi tiền về, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào sự "lèo lái" của Linh. Lứa vịt Linh vừa bán cũng đủ tiền mua thuốc cho ông bà và tằn tiện lo cơm nước. Xong những công việc sau bữa ăn, Linh vào chái bếp nhóm lửa đun thuốc cho ông nội rồi ra bóp tay để ông bớt nhức mỏi.
Trong lời chuyện trò của hai ông cháu, Linh lo lắng sẽ không ai chăm ông bà trong lúc cô đi học, còn ông Sỹ lại kiên quyết Linh phải đi học, phải thành tài, ông bà sẽ khỏe, chờ ngày Linh ra trường. Còn Linh chỉ biết cười, những lo lắng hiện trong đôi mắt u buồn.
Khi dịch ổn định, cô sẽ vào TP.HCM nhập học. Linh sẽ được ở cạnh mẹ, điều mà suốt 18 năm qua Linh mong muốn. Rời xa ông bà, Linh sẽ chăm sóc theo một cách khác, cô cố gắng làm thêm kiếm tiền gửi về quê.
Những dự tính vạch ra cho bốn năm tới đã có sẵn và gian khó chờ cô ở TP.HCM. Còn lúc này, Linh phải chào tạm biệt chúng tôi, cô phải ra đồng dọn dẹp bờ bãi trồng rau. Bóng Linh khuất đi trong cơn mưa đầy nhọc nhằn. Phía hiên nhà, ông bà nội nhìn theo. Ngọn lửa nơi chái bếp vẫn cháy, đốm lửa ấy như niềm hy vọng của cả nhà dành cho Linh…
Chương trình Tiếp sức đến trường 2021 của báo Tuổi Trẻ - Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - 'Hiện em ấy đã có công ăn việc làm, biết tiết kiệm tiền nữa, mẹ và chị mừng lắm. Em rất thương chị và đỡ đần thêm cho gia đình' - chị Trần Thị Xuân (chị gái Tuấn Anh) tự hào nhắc đến em trai.
Xem thêm: mth.79370709003011202-iot-ahn-iogn-gnort-gnas-mod/nv.ertiout