Nguy cơ thiếu điện không chỉ ở Trung Quốc, Anh hay Ấn Độ mà đang lan sang nhiều quốc gia. Trước nguy cơ này, nước ta cần có giải pháp cấp bách đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế hậu COVID-19, chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án đang ách tắc.
"Nguy cơ thiếu điện" hiện hữu
Thời gian vừa qua, nhiều quốc gia phải "vật lộn" với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trung Quốc, Ấn Độ... đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng điện do phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện, trong khi nguồn cung than đá lại thiếu trầm trọng. Ở Ấn Độ, điện than chiếm khoảng 70% sản lượng điện của quốc gia này.
Việt Nam cũng là quốc gia sử dụng điện từ nhiệt điện khá cao. Theo tờ trình Quy hoạch Điện VIII vừa trình Thủ tướng, Bộ Công Thương cho hay, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW, trong đó nhiệt điện than là 21.383 MW, chiếm 30,8% công suất và 50% sản lượng; điện khí 9.025 MW (13,1% về công suất, 14,6% sản lượng); điện gió và mặt trời hơn 17.000 MW (24,6% về công suất và 4,1% sản lượng).
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, nhập khẩu than của Việt Nam cũng tăng nhanh do nhu cầu than cho các nhà máy điện, trong khi khai thác nội địa ngày càng khó khăn, chi phí tốn kém do phải khai thác dưới độ sâu dẫn đến hiệu quả không cao. Việc nguyên liệu đầu vào (than đá) phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam.
Số liệu tại tờ trình Quy hoạch Điện VIII cho thấy, với phương án cơ sở, than nhập khẩu sẽ tăng từ 53,8 triệu tấn vào năm 2030 lên 75,3 triệu tấn vào năm 2045; với phương án cao, than nhập khẩu tăng từ 56,3 triệu tấn vào năm 2030 lên 80,3 triệu tấn vào năm 2045.
Đánh giá về phương án nhiên liệu sử dụng cho phát điện giai đoạn tới năm 2045, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, từ năm 2030 trở đi, Việt Nam sẽ phải chi ít nhất từ 10-15 tỉ USD/năm, để phục vụ việc nhập khẩu than, khí làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
"Với tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt là nguồn khí nhập khẩu, năng lượng Việt Nam sẽ phụ thuộc với thị trường nhiên liệu thế giới vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu sẽ làm tăng rủi ro và nguy cơ thiếu điện. Bởi, hiện có đến 70% dự án nhiệt điện than chậm tiến độ”, GWEC nhận định.
Sau gần 20 năm, ngành điện vẫn nhiều trăn trở
Góp ý về việc phát triển ngành điện, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn cho biết - ngành điện cần thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện.
Tái cơ cấu phải xây dựng chính sách cơ chế đột phá thu hút nguồn lực bên ngoài, phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn. Những cơ chế chính sách đó phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng lợi thế để tạo sự phát triển toàn diện ở địa phương, các ngành, vùng miền… Đặc biệt, tài nguyên nắng, tài nguyên gió, để sản xuất năng lượng tái tạo.
"Đó là những tài nguyên vô hạn, có giá trị vô cùng to lớn. Nếu có cơ chế đột phá để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các loại tài nguyên này sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước", ông Tuấn nhấn mạnh.
Để tránh nguy cơ thiếu điện, chuyên gia năng lượng Nguyễn Tài Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 nêu quan điểm, các nhà hoạch định chính sách cần phải đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung trước mắt và lâu dài, xác định cơ cấu nguồn hợp lý, sử dụng chính sách giá mua điện để kích thích hoặc hạn chế đầu tư loại nguồn điện.
Đây là giải pháp tổng hợp liên quan đến khả năng của nguồn cung cấp, độ tin cậy của đối tác và chi phí của hệ thống; khai thác tối ưu các nguồn năng lượng trong nước hiện có, bao gồm cả chính sách tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
"Theo tôi, để chủ động nguồn cung, trước hết về mặt tổng quan cần đánh giá lại khả năng các nguồn cung trong và ngoài nước, sau đó là xác định chi phí khai thác tối ưu trong điều kiện đảm bảo an ninh năng lượng đối với từng nguồn và từng loại năng lượng. Việt Nam hiện là đất nước nhập khẩu năng lượng do các nguồn năng lượng trong nước không đủ cho nhu cầu, do đó xác định được nguồn cung ổn định là rất quan trọng", ông Sơn cho hay.