Sáng 30/10, trao đổi bên lề Quốc hội liên quan đề án dự kiến thu phí ô tô vào nội đô của Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, các đô thị lớn đang chịu áp lực lớn khi hạ tầng quá tải, nên việc đưa ra cơ chế thu phí là hợp lý.
Song theo ông, việc thực hiện cần đặt trong bối cảnh phù hợp, gắn với phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng để tạo ra nhiều lựa chọn cho người dân.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng tới doanh nghiệp và người dân, thì việc phải chịu thêm chi phí cho các khoản phí cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
"Chưa nên nghĩ đến triển khai ngay ở thời điểm này, ít nhất để nền kinh tế phục hồi", ông Cường nói.
Nam ĐBQH lấy ví dụ, Hàn Quốc có kinh nghiệm khi người dân đăng ký xe ô tô được đi trong nội đô thì phải đóng một khoản tiền (gọi là trái phiếu) để đầu tư xây dựng đường tàu điện ngầm.
“Như vậy anh đi ô tô thì phải bỏ tiền ra để đầu tư cho người khác đi tàu điện ngầm. Nghĩa là phải huy động các nguồn lực để mở rộng thêm không gian giao thông”, ông Cường lý giải.
ĐB Hoàng Văn Cường
Theo đại biểu, cơ chế thu phí phương tiện cá nhân sẽ giải quyết mâu thuẫn về lợi ích trong việc sử dụng phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân.
Bởi với những trường hợp sử dụng phương tiện cá nhân, có thể ảnh hưởng đến vận hành của phương tiện công cộng, nên người sử dụng phương tiện cá nhân cần đóng góp để nâng cấp hạ tầng công cộng.
Về mức phí dự kiến được báo chí nêu, ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán được chi phí lợi ích của việc sử dụng phương tiện cá nhân với phương tiện công cộng, so sánh mức giá.
Bởi cơ sở để tính giá dịch vụ phải phụ thuộc vào chi phí lợi ích mang lại nên cần được đánh giá kỹ lưỡng.
Về lộ trình thực hiện, cùng với lưu ý tránh thời điểm người dân, doanh nghiệp đang khó khăn, ông Cường cho rằng đi kèm thu phí phải phát triển các hệ thống công cộng.
Về việc Hà Nội đưa ra dự kiến lộ trình là năm 2025, ông Cường cho rằng lộ trình này có phù hợp hay không phụ thuộc vào vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng công cộng của địa phương này.
"Nếu Hà Nội muốn giải quyết vấn đề là thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân, phải đi kèm theo đó, hệ thống công cộng phải phát triển. Khi phát triển hệ thống công cộng đầy đủ để người ta có lựa chọn, tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể áp dụng ", ông Cường nói.
Nêu thêm về thực trạng hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội, nam ĐBQH chỉ rõ, cần phải hoàn thiện được các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt kết nối đường sắt, các trục giao thông chính.
Về lo ngại việc áp dụng mức thu phí có thể khiến người dân tập trung vào nội đô, ông Hoàng Văn Cường cho hay, chúng ta đang bàn đến vấn đề xây dựng các đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm.
Do đó, để đô thị vệ tinh phát triển được phụ thuộc rất lớn vào kết nối hạ tầng giữa đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh.
"Nếu chúng ta phát triển hệ thống metro đi từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc thì người dân sẽ lên khu vực Hòa Lạc sinh sống.
Việc giãn dân không phụ thuộc vào chuyện chúng ta đánh thuế, chuyện thu phí ô tô mà phụ thuộc rất lớn vào kết nối hệ thống giao thông chính, trục công cộng, chứ còn nếu chỉ dựa vào các phương tiện cá nhân thì không bao giờ tạo ra được các đô thị vệ tinh", ông Cường nêu quan điểm.
Hoàng Đan
Doanh nghiệp & Tiếp thị