Những ngày gần đây, xuất hiện vị trí sạt lở dài khoảng 120m, chiều rộng cung sạt khoảng 5-15 m tại bờ đê sông Hồng đoạn đi qua khu vực thôn Trung Hà (Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội)
Điều đáng nói, những khu vực sạt lở đều cách nhà ở của 2 hộ dân khoảng 2-2,5 m
Tại nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Văn Toán, một phần bờ sông bị sạt lở chỉ còn cách khoảng sân trước nhà ông chừng 0,5 m. Những ngày gần đây, cuộc sống gia đình ông như đảo lộn
"Ảnh hưởng kinh tế là một mặt còn về tinh thần nữa, tôi cũng rất lo lắng. Chúng tôi đi ở nhờ gần 1 tháng nay rồi", ông Toán nói
Ngoài gia đình ông Toán, 6 hộ gia đình khác cũng bị ảnh hưởng trực tiếp vì sạt lở
Lãnh đạo UBND xã Thái Hoà (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, ban đầu, vị trí sạt lở kéo dài 120 m, có khoảng 6-7m vào đất thổ cư của các hộ dân. Hiện tại, nó đã rộng đến 15-17m. "Sau khi chúng tôi nhận được thông tin, chúng tôi đã huy động lực lượng, trực tiếp đến hiện trường nạo vét ống thoát nước, đồng thời yêu cầu gia đình ông Toán và một số hộ dân di chuyển, không được ở tại khu vực bị sạt lở", lãnh đạo UBND xã Thái Hoà nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Thái Hoà, có tổng cộng 17 hộ dân sống gần khu vực sạt lở. "Hằng ngày, chúng tôi phải cử lực lượng công an xuống trực tại đây để không cho người dân sinh sống ở khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân"
Về nguyên nhân ban đầu, lãnh đạo UBND xã Thái Hoà cho rằng, khu vực sông Hồng chảy qua thôn Trung Hà rất xoáy và sâu. Ngoài ra, bên phía tỉnh Phú Thọ có một số tàu hút cát tự nhiên nên người dân ở địa phương nơi đây chịu ảnh hưởng
Một đoạn đường đê nứt, gãy do ảnh hưởng của sạt lở
Một vị trí khác cùng thôn Trung Hà tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, ăn sâu vào đất sản xuất của các hộ dân, nằm sát chân đê hữu Hồng
"Từ trước đến nay chỉ bị nứt rạn, chưa có hiện tượng sạt lở như năm nay. Vì vậy chúng tôi khẩn trương đến hiện trường để bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân", lãnh đạo UBND xã Thái Hoà nói.
Đinh Huy
Doanh nghiệp tiếp thị