Điều dưỡng Cao Thị Thanh Thủy vẫn xúc động khi kể lại những ngày ở tâm dịch TP.HCM - Ảnh: VŨ TUẤN
Những người bác sĩ, điều dưỡng phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) chỉ mong được chứng kiến bệnh nhân ra viện. Nơi họ làm việc là nơi giành giật sự sống cho những bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng, và giây phút bệnh nhân ra viện là kết quả của những nỗ lực thần kỳ.
Lá thư cảm ơn của người bệnh
Sau gần hai tháng tình nguyện phục vụ ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, trở về Hà Nội chị Cao Thị Thanh Thủy, điều dưỡng Bệnh viện E Hà Nội, được đồng nghiệp gửi cho bức ảnh chụp lá thư của bệnh nhân.
Đó là lá thư tay gửi lại phòng hành chính của bệnh viện với những dòng chữ run rẩy, vội vã vì xúc động khi vừa nghe thông báo ra viện. Nguyễn Thị H., tác giả bức thư, gửi lại trong mớ giấy tờ của bệnh viện. Cô nghĩ ra viện rồi sẽ không thể gặp lại những người đã giành giật sự sống cho mình suốt gần hai tháng trời điều trị.
"... Chiều nay em được xuất viện, em mừng lắm, em muốn gửi lời cảm ơn đến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và các bạn tình nguyện viên đã tận tình chăm sóc cho em về thể lý và tâm lý. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa bệnh cho em để em được về với gia đình, chồng con..." - chị H. xúc động viết.
"Mừng cho cô ấy..." - điều dưỡng Cao Thị Thanh Thủy đọc bức thư được đồng nghiệp chụp lại. Chị cười, mừng cho cô gái vượt qua cái chết mà sống mũi cứ cay cay.
Thế là cô bệnh nhân "quậy" nhất Bệnh viện Hồi sức đã được cứu. Cô bệnh nhân nổi tiếng khắp các khoa, phòng của bệnh viện vì bị kích thích. Thuốc an thần, giãn cơ... như không có tác dụng với cô ấy.
Từ khi chị Thủy tiếp nhận bệnh nhân đến khi đọc được bức thư đã hơn một tháng rưỡi. Bệnh nhân từng phải thở oxy dòng cao, rồi phụ thuộc hoàn toàn máy thở - sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc.
"Hạnh phúc của chúng tôi là được chứng kiến bệnh nhân ra viện - chị Thủy bộc bạch - Khoa tôi phục vụ toàn bệnh nhân nặng, gần hai tháng ngày nào cũng phải trĩu lòng thu dọn đồ cho bệnh nhân không qua khỏi.
Có những hôm nghỉ thay ca một ngày, hôm sau lên khoa toàn bệnh nhân mới, nhiều bệnh nhân hôm trước đã mất rồi..." - chị Thủy chùng giọng, ngập mừng hồi lâu mới kể tiếp chuyện trong những ngày tình nguyện chống dịch ở TP.HCM.
"Đêm hôm đó, tôi là người đầu tiên tiếp nhận H., bác sĩ đã cho dùng thuốc an thần nhưng không có công dụng. Cô ấy đã mất dần ý thức, liên tục gào thét, giật hết ống thở, đập giường, đập chiếu... Mấy người chúng tôi phải xúm lại buộc tay, buộc chân lại, rồi giữ ống cho H. thở. Cứ ngoảnh đi là H. giật hết ống ra, người tím ngắt!" - chị Thủy kể lại.
Đến ngày hôm sau thì bệnh nhân trở nặng phải chuyển sang phòng khác để thở oxy dòng cao. Bệnh nhân tiếp tục "quậy", đến khi buộc tay, buộc chân lại mà vẫn cứ trườn lên, trườn xuống. Chị đồng nghiệp hiền nhất khoa giữ ống thở oxy không được, phải nhờ thêm.
Bệnh nhân COVID-19 thiếu oxy lên não, họ không ý thức được. Nếu không thở được vài phút là diễn biến nặng, khó qua khỏi.
Thế rồi bệnh nhân "quậy" nhất khoa ấy cũng vượt qua. Cô được chuyển dần về những khoa nhẹ hơn và hơn một tháng sau thì xuất viện. Khi ấy, chị Thủy đã về tiếp tục với công việc của mình ở Bệnh viện E Hà Nội.
"Đọc thư bạn ấy mình vui lắm! - chị Thủy nói - Gần hai tháng trời mình sống trong cái không khí u uất ấy. Chưa bao giờ mình làm việc nhiều như thế. Mà bệnh nhân chỉ có một mình, không vượt qua được, họ ra đi cô quạnh lắm. Chưa bao giờ mình hình dung được cái chết lại tàn khốc như vậy cả".
Lá thư tay của bệnh nhân H. cảm ơn bác sĩ, điều dưỡng và các bạn tình nguyện viên - Ảnh: NVCC
Giành giật với tử thần
Chị Thủy là thành viên của đoàn bác sĩ, điều dưỡng vào tiếp sức Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Chị nhớ bệnh viện ấy chính là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cơ sở 2 vừa mới khánh thành được vài ngày thì trưng dụng làm bệnh viện hồi sức.
Người bệnh chuyển đến bệnh viện gần như đã mất dần ý thức. Những bệnh nhân phải thở máy gần như không còn nhận thức được gì, nhưng bệnh nhân khác nhẹ hơn thì bị kích thích, hay giằng giật, la hét.
"Ngoảnh đi ngoảnh lại họ đã rút hết ống thở ra, người tím ngắt! Nếu không kịp xử trí là họ không vượt qua được" - chị Thủy tâm sự.
Chỗ chị Thủy làm ở lầu 7, nơi chỉ toàn bệnh nhân nặng. "Mới đầu cũng sợ lắm! Ai chẳng sợ tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 sẽ bị lây? Nhưng rồi đến ngày thứ hai thì chúng tôi bị cuốn vào công việc" - chị Thủy nói.
Mỗi người phụ trách từ 6-8 bệnh nhân, toàn những ca nặng. Có người phụ trách tới bốn bệnh nhân phải thở máy. Việc này quá sức với một điều dưỡng bình thường. Bệnh nhân đã vào đó chỉ có một mình. Điều dưỡng phải làm hết mọi việc từ đặt thuốc, thay tã, đến đút từng thìa sữa.
"Có những hôm nhận ca lúc 7h30 sáng, hết xoay bên này, chạy bên kia trong phòng. Lúc nào cũng nghe bệnh nhân gọi "cô ơi cho xin miếng nước", "cô ơi thay tã cho tôi", "cô ơi, cô ơi...". Cứ như thế ngẩng mặt lên đã 12h30 từ lúc nào rồi" - chị Thủy tâm sự chưa bao giờ chứng kiến những ca bệnh diễn biến nhanh như vậy.
Có khi vừa nói chuyện được vài phút, quay lại họ đã trở nặng phải chuyển phòng thở máy. Có những người lúc nhập viện chưa kịp gọi điện cho người thân vì quá mệt, đến hôm sau thì không qua khỏi.
Tâm sự với tôi, mái tóc thưa của chị điều dưỡng không che được đôi mắt ngân ngấn nước. Hình ảnh những người chị từng chăm sóc lần lượt rời đi. Có người sang phòng khác nhẹ hơn nhưng cũng có người sang phòng thở máy rồi nhiều lần chị phải dọn đồ đạc, vĩnh biệt họ. Bác sĩ tìm số điện thoại người thân trong hồ sơ bệnh án, gọi điện thông báo ngày, giờ họ mất...
Chị không thể nào quên được hình ảnh bệnh nhân hơn 70 tuổi đã từng ở buồng bệnh chị phụ trách. "Chú ấy vào được mấy ngày thì tỉnh táo, nói chuyện được. Nhà chú có 8 người, 7 người đã chết vì COVID-19, chú là người cuối cùng - chị nghẹn giọng kể.
"Đến ngày thứ năm thì chú ấy chuyển biến nặng, phải sang phòng khác điều trị. Rồi cũng chính tôi là người thu dọn đồ đạc và giúp đưa thi thể chú ấy vào túi... Bác sĩ cũng không biết gọi cho ai để thông báo vì cả nhà họ đã không còn ai!".
Và chị Thủy cũng còn nhớ cô gái tên D. rất trẻ, vừa mới sinh con. Ngày nhập viện, vết mổ sinh con chưa cắt chỉ. Vào viện được hai hôm thì D. diễn biến nặng chuyển sang phòng thở máy. Thế rồi đứa trẻ không bao giờ được bú sữa mẹ nữa...
Đã hơn hai tuần sau khi về Hà Nội, chị Thủy vẫn chưa quên được cảm giác căng thẳng trong những ngày ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, TP Thủ Đức. Gần một tuần ở Hà Nội, chị vẫn mất ngủ, cứ đọc tin tức, nghe ngóng các đồng nghiệp chia sẻ trên mạng xã hội và thương, lo cho bệnh nhân vào đó.
Chưa bao giờ chị đi làm xa như vậy, chưa bao giờ chị phải làm quá nhiều công việc như thời gian ấy. Cứ làm hai ca ban ngày lại một ca đêm xen kẽ. Có lần chị thay ca, cả khoa toàn bệnh nhân mới, hơn một nửa đã mất, số ít chuyển sang phòng điều trị nặng hơn. Không chỉ có người già, người có bệnh nền mà cả người trẻ tuổi cũng vậy, chuyển nặng rất nhanh.
Trong cái lạnh se sắt ở hành lang Bệnh viện E Hà Nội, một người phụ nữ trung niên, trên tay đeo bó gạc và kim chuyền gọi: "Cô ơi! Cô ơi!...". Chị Thủy giật bắn mình, đứng dậy. Chị vẫn ám ảnh hai tiếng "Cô ơi" ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
"Chúng tôi trở về Hà Nội, điều dưỡng Mỹ cười ra nước mắt khi đứa con thứ hai không chịu nhận mẹ. Cô ấy phải làm quen rồi nịnh mãi bé để được bế con - chị Cao Thị Thanh Thủy kể lại".
TTO - 'Hồi sức là thành trì cuối cùng để chiến đấu với bệnh dịch rồi, không giữ được thành tức là không giữ được mạng sống cho bệnh nhân' - bác sĩ Phạm Thế Thạch nhắc lại những chuyện không thể nào quên trong những ngày ở Trung tâm hồi sức COVID-19.