Ông Nguyễn Chưng ngồi rũ xuống trong khi tòa nghị án - Ảnh: DUY THANH
Người cha đó là ông Nguyễn Chưng (52 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Phiên tòa hôm ấy xử đứa con trai út của ông - Nguyễn Lâm, tên ông đặt ở nhà là Bợm, 19 tuổi, về tội "giết người" và "cướp tài sản".
Ông đến tòa với tư cách là đại diện cho bên bị hại - bà T.T.T.L., vợ ông, người đã bị chính thằng Bợm rủ bạn về giết chết tại nhà để lấy mấy triệu đồng.
Nghịch tử
Phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa hôm ấy diễn ra khá chóng vánh vì cả hai bị cáo Nguyễn Lâm cùng Đ.P.C. (15 tuổi, ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đều mau chóng thừa nhận tất cả các hành vi phạm tội mà chúng gây ra.
Ông Chưng và vợ là bà L. có ba người con trai. Trong khi hai đứa con lớn chí thú làm ăn, thì Nguyễn Lâm lại "trái tính trái nết". Học hết lớp 6 thì Lâm nghỉ, bỏ đi bụi, hoang đàng nên sau đó được đưa đi trại giáo dưỡng.
Ông Chưng nói Lâm vừa ra khỏi trại giáo dưỡng về lại cộng đồng, ông nói với con nên đi cùng ông trông nuôi hồ tôm thuê nhưng Lâm không chịu. Lâm không ở nhà mà đến phường Hòa Hiệp Bắc (thị xã Đông Hòa) thuê nhà trọ ở riêng.
6h sáng 12-10-2020, do chưa trả tiền thuê nhà trọ cũ và không có tiền để chuyển đến nhà trọ mới, Lâm mang theo con dao Thái Lan, rủ C. (lúc đó hơn 14 tuổi) về nhà mình ở khu phố Phú Hiệp 3 (phường Hòa Hiệp Trung) để giết mẹ, lấy tài sản.
Nghe tiếng gọi cửa lúc sáng sớm, bà L. trở dậy mở cửa. Thấy đứa con trai lêu lổng, không chịu làm ăn, bỏ nhà đi biền biệt nhiều ngày, bà L. liền la mắng rồi đi ra hè sau đánh răng, rửa mặt.
Không ai có thể ngờ lúc đó, Lâm đã dùng dao đâm hàng chục nhát vào khắp người mẹ mình. Chưa hết tàn nhẫn, đứa con trai "máu lạnh" còn cùng C. khiêng mẹ vào nhà bếp, dùng áo, dây thừng siết cổ bà L. cho đến chết. Sau đó, cả hai lục lấy của bà L. 3,2 triệu đồng, tháo đôi hoa tai trên người bà và lấy luôn chiếc điện thoại di động.
Trước khi rời nhà, Lâm còn đang tâm khóa trái cửa nhà bếp lại. Tiếp đó, Lâm cùng C. đem bán đôi hoa tai, sử dụng tiền cướp được trả tiền nhà trọ và tiêu xài cùng một số bạn bè. Khoảng 18h cùng ngày, Lâm và C. bị công an phát hiện ở TP Tuy Hòa, mời về trụ sở làm việc, sau đó bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Hôm ấy cũng như mười mấy năm qua, ông Chưng ở suốt nơi đìa tôm mà ông trông coi thuê chứ ít khi về nhà. Nhưng linh tính chẳng lành, ông bốc máy gọi cho vợ mấy cuộc mà không được. Ông chạy về nhà cùng hai con trai lớn và những người thân tỏa nhau đi tìm bà L. từ trưa đến chiều mà không thấy.
"Cho đến sẩm tối, tôi nói với đứa con lớn phá khóa nhà bếp để lấy lúa thóc cho gà vịt ăn thì mới đau đớn nhìn thấy vợ mình nằm chết bên vũng máu..." - ông Chưng xót xa nhớ lại và bày tỏ lúc ấy không nghĩ rằng hung thủ sát hại vợ mình chính là đứa con trai út.
Giằng xé
Nguyễn Lâm và C. đứng trước bục bị cáo trong bộ đồ bảo hộ phòng dịch COVID-19 kín mít. Ông Chưng đứng trước bàn dành cho đại diện người bị hại, gầy ốm, đen đúa, khắc khổ. Thỉnh thoảng đôi mắt ông lén nhìn về phía đứa con.
Theo từng câu trả lời của Lâm trước hội đồng xét xử, đôi mắt ông Chưng nhìn con lúc biểu lộ sự tội nghiệp, xót xa và cũng nhiều khi giận dữ.
Chắc hẳn trong ông có một sự giằng xé khủng khiếp của hai thái cực: nỗi đau quá lớn trước cái chết thương tâm của vợ và sự thương cảm cho kẻ gây án chính là giọt máu của vợ chồng ông.
Rốt cùng, trình bày với tòa, ông Chưng nói theo luật, kẻ giết người phải bị trừng phạt xứng đáng với tội lỗi gây ra, nhưng gây án là đứa con, nạn nhân là người vợ, nên ông mong tòa xem xét mở cho Lâm con đường sống.
"Vợ tôi chết rồi, bàn thờ còn đó, giờ Lâm bị tử hình nữa thì nỗi đau của tôi, của gia đình nhân lên bội phần, không thể chịu nổi. Dù cho con có lỗi lầm gì chăng nữa thì không người cha nào muốn giết con mình cả. Tôi bãi nại cho Lâm và mong tòa xem xét" - ông Chưng nói.
Trong khi tòa nghị án, ông Chưng chạy ra hành lang tòa, hướng mắt về phía căn phòng của bị cáo. Rồi như có một sự thôi thúc mãnh liệt của tình phụ tử, ông lân la đến xin các cảnh sát bảo vệ được gặp con vài phút nhưng không được chấp nhận.
Lát sau, vị cảnh sát đưa cho ông một vật là chùm dây len nhiều màu sắc làm móc khóa, nói rằng Lâm gửi cho cha. Ông nhận lấy, trở lại phòng xử, ngồi vuốt ve vật ấy như vuốt tóc đứa con trai chưa kịp trưởng thành đã gây ra tội lỗi.
Tòa tuyên án tử hình đối với Nguyễn Lâm vì bị cáo gây án quá lạnh lùng, tàn nhẫn, quyết thực hiện đến cùng hành vi phạm tội đối với chính mẹ mình.
Khi chủ tọa trình bày bản án, ông Chưng rũ xuống, không nhìn vào đâu. Mãi đến khi tiếng còng vang lên lạnh lẽo, bập vào tay đứa con để cảnh sát dẫn giải ra xe bít bùng thì ông mới vội ngẩng lên, đôi mắt đỏ hoe, rớm nước...
Không còn cơ hội sửa chữa
Ngày 14-10, TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, hai bị cáo Nguyễn Lâm và Đ.P.C. thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo Lâm xin tòa xem xét cho được sống để có cơ hội chuộc lỗi lầm, phụng dưỡng cha. Cha của Lâm cũng có đơn bãi nại cho con trai.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định hành vi rủ bạn về nhà giết mẹ, cướp tài sản một cách lạnh lùng của Lâm là dã man, tàn nhẫn, không còn tính người, nên tuyên mức án tử hình đối với bị cáo về hai tội: giết người và cướp tài sản.
Còn đối với Đ.P.C., hành vi phạm tội cũng tàn nhẫn, dã man nhưng do chưa thành niên, nhận thức còn hạn chế, nên tòa tuyên bị cáo này 12 năm tù cùng về hai tội danh trên.
TTO - Chiếc xe thùng chở bị cáo Nguyễn Văn Tùng đi về nơi giam giữ dần dần khuất sau cánh cổng tòa, mẹ bị cáo đôi chân chới với chạy theo gào khóc: "Tùng ơi, con chết vì yêu mù quáng".
Xem thêm: mth.69704558013011202-uad-ion-iah/nv.ertiout