Theo Công an TP Thủ Đức (TP.HCM), tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc dựa trên nền tảng trò chơi điện tử (game online) đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng hình thành nhiều băng nhóm liên kết với các đối tượng ở nước ngoài, lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia cùng hàng trăm nghìn tài khoản.
Công an cũng cho biết, việc thua bạc sẽ phát sinh hành vi phạm tội khác như: vay nặng lãi, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản... gây ảnh hưởng xấu tới gia đình, xã hội.
Thủ đoạn của tội phạm này thường sử dụng là hoạt động cả lén lút lẫn công khai với vỏ bọc là doanh nhân thành đạt, giám đốc, chủ cơ sở kinh doanh. Họ sử dụng ứng dụng công nghệ lôi kéo nhiều người tham gia dưới hình thức tổ chức đa dạng, quảng cáo rộng rãi, dễ dàng truy cập. Trong đó nhiều game online hút người chơi như: Tá lả, tiến lên, tài xỉu, xóc đĩa, bầu cua.
Ngoài ra, tội phạm này cũng lợi dụng mạng internet, viễn thông để hoạt động với chiêu thức xây dựng mạng lưới cộng tác viên phủ khắp nhiều tỉnh thành. Người chơi dùng tiền thật mua thẻ cào hoặc nạp trực tiếp qua tài khoản ngân hàng khi thắng có thể đổi từ tiền ảo thành thẻ cào cũng như tiền mặt, biến đây thành hình thức đánh bạc trá hình.
Ngoài ra, Công an TP Thủ Đức, cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với thủ đoạn núp danh Tạp chí Phòng cháy chữa cháy. Theo đó một số tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa là cán bộ, nguyên cán bộ của Tạp chí Phòng cháy và chữa cháy, hoặc phối hợp với Tạp chí Phòng cháy và chữa cháy để liên hệ với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên toàn quốc.
Đặc biệt tội phạm này còn thông qua các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh để thực hiện chương trình tuyên truyền, tập huấn kiến thức PCCC, đào tạo kỹ năng sống nói chung.
Một số cá nhân còn lợi dụng danh nghĩa cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH hoặc cán bộ phụ trách kiểm tra an toàn PCCC địa phương liên hệ để bán tài liệu thông qua hình thức chuyển khoản hoặc nhận bưu phẩm qua bưu điện.
Những nội dung tuyên truyền, tập huấn về PCCC, đào tạo kỹ năng sống do một nhóm người tự biên soạn và không được kiểm duyệt. Đây là những hoạt động lợi dụng chủ trương về công tác tuyên truyền PCCC, về kỹ năng sống gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Theo Công an TP Thủ Đức, Trường Đại học Phòng cháy và chữa cháy không chủ trương phối hợp với các tổ chức, cá nhân bên ngoài thực hiện các hoạt động nêu trên và không phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên của nhà trường tham gia các hoạt động này.
Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết từ chối khi nhận được lời đề nghị thông qua điện thoại của các tổ chức, cá nhân với danh nghĩa là đại diện cho Tạp chí phòng cháy và chữa cháy liên hệ để tổ chức thực hiện chương trình tuyên truyền, tập huấn kiến thức PCCC, đào tạo kỹ năng sống cho các trường học trên địa bàn.
Công an TP Thủ Đức thông báo rộng rãi đến các đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Thủ Đức để nâng cao cảnh giác tuyệt đối, không tự ý tham gia các hoạt động trên.
Người dân chủ động liên hệ với cán bộ kiểm tra an toàn PCCC&CNCH phụ trách địa bàn hoặc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Thủ Đức khi có nhu cầu tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH.
Người dân có thể tố giác tội phạm qua Công an phường, cán bộ kiểm tra an toàn PCCC&CNCH phụ trách địa bàn hoặc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Thủ Đức qua số điện thoại 02838.965.915