Việc nhiều ông lớn tham gia vào ngành chăn nuôi, chế biến thịt heo sẽ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn nhưng thị trường cũng sẽ chứng kiến sự cạnh tranh đầy khốc liệt. Chỉ có những doanh nghiệp tối ưu chi phí, chiến lược kinh doanh đúng đắn mới có khả năng thành công.
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Ảnh: PM |
Đầu tư cả ngàn tỉ nuôi heo công nghệ cao
Tập đoàn Thaiholding là cái tên mới nhất tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi heo. Trong tham vọng của mình, Tập đoàn Thaiholding, thông qua công ty con là Thaigroup đầu tư 600 tỉ đồng để thực hiện chăn nuôi heo theo công nghệ cao.
Tương tự, vào tháng 9 vừa qua, Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) xây dựng cụm trang trại nuôi heo công nghệ cao tại Tây Ninh. Mục tiêu của công ty này là xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và đạt 200.000 con heo nái vào năm 2030.
BAF được biết đến là đơn vị cung cấp thịt thương hiệu thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và Meat shop. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu phát triển 1.000 cửa hàng vào năm 2023 và cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu con heo.
Nhưng có lẽ gây chú ý nhất trên thị trường trong thời gian qua là việc bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) tung ra thị trường heo ăn chuối, với chiến lược kinh doanh “Một cây, một con”. Một cây là chuối và một con là heo. Mảng kinh doanh chuối và heo của HAGL có mối quan hệ rất chặt chẽ. Chuối để xuất khẩu nhưng chuối cũng để nuôi heo.
“Mỗi năm, chúng tôi thải loại 200.000 tấn chuối sau khi xuất khẩu. Đây là con số rất lớn. Thay vì bỏ đi như trước, chúng tôi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho heo. Giá thành chuối của HAGL là 6.500 đồng/kg nhưng có lúc bán ra 14.000 đồng/kg; giá thành heo hơi 43.000 đồng/kg, bán ra giá bình quân 62.000 đồng/kg. Rõ ràng hai sản phẩm này giúp chúng tôi có lãi. Nếu nuôi 1 triệu con heo thì lợi nhuận trong thời gian tới sẽ rất lớn” - bầu Đức tự tin.
Lũy kế tám tháng đầu năm nay, HAGL đạt doanh thu 2.708 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 781 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch đặt ra trong cả năm. Tất cả lợi nhuận đều do heo ăn chuối và cây chuối mang lại. Nhìn chi tiết hơn, tập đoàn này đã bán ra hơn 136.000 con heo thịt và xuất khẩu 112.740 tấn chuối.
Bầu Đức đặt kế hoạch nuôi 1 triệu con heo nhưng không chỉ dừng lại ở nuôi và bán heo hơi, mà mục tiêu lớn nhất của ông là xây dựng chuỗi cửa hàng phân phối thịt heo với số lượng lên đến 1.000 cửa hàng vào năm 2023.
Trước bầu Đức đã có nhiều ông lớn như Hòa Phát, Thaco, Masan… đổ tiền khủng vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt heo quy mô lớn. Đơn cử Tập đoàn Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương sau khi mua lại mảng chăn nuôi heo của Hùng Vương cũng đã nhanh chóng định hướng là ông lớn trong ngành với năng lực nuôi từ heo giống đến heo thịt. Hiện tập đoàn đang có bảy trang trại nuôi heo với quy mô hơn 300.000 con.
Các ông lớn trong nước mở rộng chuỗi giá trị ngành heo từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và phân phối.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Việc nhiều ông lớn tham gia vào ngành kinh doanh heo không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng Việt mà hướng đến khai thác một thị trường đầy tiềm năng bao gồm cả trong nước lẫn xuất khẩu.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect, giá thịt heo đang có xu hướng tăng trở lại sau thời gian dài trầm lắng, mà được dự báo sẽ tăng đạt đỉnh 80.000 đồng/kg vào cuối năm 2022. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc hút hàng giúp giá thịt heo khu vực phía Bắc cũng hưởng lợi.
Bầu Đức cho biết HAGL có quỹ đất rất lớn, sở hữu diện tích trồng chuối khổng lồ, nguồn cung cấp thức ăn chính cho heo. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 30% so với trước đây, do đó công ty nuôi heo sẽ lãi do chủ động nguyên liệu thức ăn cho heo.
“Chúng tôi tự tin thắng lớn với thịt heo ăn chuối trên thị trường. Vì hiện thị trường Việt Nam cần đến 30-35 triệu con heo, trong khi con số 1 triệu con heo của HAGL cung cấp là quá nhỏ bé” - bầu Đức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng giám đốc Công ty Masan MEATLife, nhận định với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, sẽ có thêm nhiều đối thủ nước ngoài tham gia thị trường thịt heo, dẫn đến sự cạnh tranh sẽ trở nên rất khốc liệt. Điều này đòi hỏi các công ty cần phải cung cấp những sản phẩm đột phá, ngon, an toàn và giá cả hợp lý đến người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, với những doanh nghiệp nuôi bài bản sẽ đem đến thị trường Việt Nam một nguồn cung ổn định, người tiêu dùng có được sản phẩm thịt chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng với việc đối thủ cạnh trạnh xuất hiện ngày càng nhiều cùng tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các đơn vị trong ngành ngày càng khốc liệt.
“Bản thân Vissan cũng rất vất vả kinh doanh với mảng thịt heo tươi sống nhưng nhờ vào mảng chế biến thực phẩm bù lại mà công ty duy trì mức lợi nhuận tốt” - ông An cho biết.
Thực tế nhiều ông lớn khác cũng không hoàn toàn suôn sẻ trong việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngành kinh doanh heo, do chi phí chăn nuôi leo thang và cạnh tranh gay gắt với đối thủ nước ngoài nhiều tiềm lực.•
Thị trường thịt heo trị giá 15 tỉ USD
Một báo cáo của Công ty Masan MEATLife ước tính thị trường thịt heo trong nước có quy mô khoảng 15 tỉ USD. Trong đó, riêng thị trường thịt mát chiếm hơn 10 tỉ USD.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ đứng thứ hai châu Á sau Trung Quốc về tiêu thụ thịt heo trong năm 2022 với khoảng 3,4 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.
Trong văn hóa người Việt, thói quen tiêu dùng thịt heo vẫn rất đậm nét. Trong cơ cấu rổ thức ăn của người Việt, thịt heo thường chiếm 70%, còn lại là thịt gà, thịt bò và thủy sản.
Tuy vậy, Công ty nghiên Ipsos, chuyên nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở tại Pháp, mới đây công bố kết quả nghiên cứu về thị trường heo Việt Nam năm 2022 cho thấy mức tiêu thụ thịt heo của người Việt Nam ít hơn so với năm, sáu năm trước. Cụ thể, mức tiêu thụ thịt heo theo đầu người trong năm 2018 là 31,4 kg, năm 2020 còn 25 kg và năm 2022 là 23,5 kg; tương đương mức giảm 13,5%.
Theo đại diện Ipsos, dù thịt heo là thực phẩm truyền thống, gắn bó lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Việt nhưng gia cầm, hải sản, thịt bò… dần được người Việt ưa chuộng.